Kinh tế sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2017?

(BĐT) - Trong Báo cáo Triển vọng kinh tế châu Á 2016 công bố ngày 30/3, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục ổn định khi giữ mức tăng trưởng 6,7% - bằng năm ngoái. Dù vậy, sang 2017, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam sẽ chậm lại, chỉ còn 6,5%.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Dự báo kinh tế ổn định

Theo ông Eric Sidgwick, Giám đốc ADB tại Việt Nam, sau những kết quả tốt hơn cả mong đợi trong năm 2015, ADB dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục ổn định trong năm 2016, sau đó sẽ tăng trưởng chậm hơn trong năm 2017.

Trong giai đoạn này, ADB nhận định, tăng trưởng tiếp tục được dẫn dắt bởi đầu tư trực tiếp nước ngoài cao, tiêu dùng và cầu trong nước gia tăng, cùng với các chính sách hỗ trợ tăng trưởng. Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi từ việc gia nhập một loạt hiệp định thương mại tự do mới; khi đi vào thực hiện các hiệp định này sẽ tạo thêm nhiều cơ hội kinh doanh và thương mại mới cho Việt Nam.

Song, ADB cũng chỉ ra 5 thách thức trong những năm tới mà Việt Nam phải đối mặt. Đó là sự bất ổn toàn cầu và tăng trưởng chậm chạp ở một số quốc gia đối tác thương mại lớn (trong đó có Trung Quốc) có thể ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế của Việt Nam. Khi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn còn phụ thuộc lớn vào xuất khẩu thì sự bất ổn ở những khu vực này có tác động đến kinh tế Việt Nam là điều khó tránh.

Ở trong nước, ADB quan sát thấy có một nhu cầu ngày càng tăng là phải xây dựng lại vùng đệm kinh tế vĩ mô để đảm bảo cho nền kinh tế có sức chống chịu mạnh mẽ hơn trước bất kỳ cú sốc kinh tế nào trong tương lai. Điều này đòi hỏi phải đặc biệt chú trọng đến việc tăng cường tính bền vững tài khóa và củng cố cơ sở dự trữ ngoại hối.

Ngoài ra, ADB khuyến cáo, về dài hạn, cần nỗ lực nhiều hơn để giải quyết vấn đề tăng trưởng năng suất thấp của Việt Nam và hỗ trợ cho các doanh nghiệp (DN) trong nước tăng cường khả năng hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trọng tâm của nhiệm vụ này là đẩy nhanh tiến trình cải cách DN nhà nước một cách sâu rộng hơn – không chỉ dừng lại ở cổ phần hóa – nhằm gỡ bỏ những ảnh hưởng méo mó mà các DN này gây ra đối với nền kinh tế và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. 

Chưa tính đến tác động của hạn hán

Theo số liệu quý I/2016 vừa được Tổng cục Thống kê công bố, kết quả GDP có sự sụt giảm so với tốc độ tăng cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại. Nếu không có những giải pháp quyết liệt, kịp thời để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế thì các chuyên gia cho rằng, mục tiêu đạt được tăng trưởng 6,7% như đã đề ra sẽ khó khăn.

Một trong những quan tâm lớn của kinh tế Việt Nam hiện nay là vấn đề hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn biến phức tạp, lo ngại sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và làm cho ngành nông, lâm thủy sản có mức tăng trưởng âm.

Trả lời câu hỏi liên quan đến việc ADB chưa đưa những “thực tế” này vào dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2016, bởi nếu vấn đề hạn hán và xâm nhập mặn diễn biến phức tạp hơn thì mục tiêu tăng trưởng 6,7% của Việt Nam trong năm 2016 rất khó có thể đạt được, ông Eric Sidgwick bày tỏ quan điểm, Báo cáo Triển vọng kinh tế châu Á 2016 của ADB tập trung nhiều hơn vào những vấn đề kinh tế vĩ mô và mang tính cơ cấu của nền kinh tế. ADB cho rằng, những ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn vẫn chưa có những tác động lớn, vì vậy thời gian này ADB chưa đánh giá chi tiết và kỹ càng vấn đề hạn hán và xâm nhập mặn ở Việt Nam.

Chuyên đề