Kiểm toán 27 trạm BOT: Lộ ra nhiều chuyện

Đầu tư tuyến đường này, đặt trạm tuyến khác, xác định tổng mức đầu tư chưa chính xác, kéo dài thời gian thu phí… là hàng loạt vấn đề vừa được Kiểm toán nhà nước nước vạch ra khi báo cáo về quá trình kiểm toán 27 dự án BOT trên cả nước.
Kiểm toán 27 trạm BOT: Lộ ra nhiều chuyện

Phát biểu trong buổi làm việc của Đoàn giám sát của UB Thường vụ QH với cơ quan Kiểm toán nhà nước về việc thực hiện chính sách pháp luật trong đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thực hợp đồng xây dựng - kinh doanh – chuyển giao (BOT) ngày 21.2, Phó Tổng kiểm toán Nhà nước Nguyễn Quang Thành cho biết, việc tính toán xác định tổng mức đầu tư của 11/27 dự án còn chưa chính xác, làm tăng tổng mức đầu tư bất hợp lý giá trị 465,5 tỉ đồng mà nguyên nhân là do chủ đầu tư tính toán dự phòng trượt giá chưa phù hợp, áp dụng lương công nhân không đúng quy định, áp sai giá vật liệu, tính sai khối lượng.

Việc kiểm toán 27 dự án BOT cho thấy, có tình trạng trạm thu phí của dự án BOT đặt trên tuyến đường khác, không gắn với dự án, dẫn đến tình trạng người dân không đi trên đường được đầu tư bằng BOT nhưng vẫn phải trả phí cho nhà đầu tư.

Ông Thành cũng chỉ ra rằng, theo quy định, vị trí trạm thu phí phải có khoảng cách 70km, nhưng thực tế đang xảy ra 2 tình trạng. Một là, trạm thu phí cho dự án nhưng đặt trên tuyến đường khác và không gắn với dự án, dẫn đến tình trạng người dân không đi trên đường được đầu tư bằng BOT nhưng vẫn phải trả phí cho nhà đầu tư.

Tình trạng thứ 2 là khoảng cách giữa các trạm thu phí không đảm bảo tối thiểu 70km nhưng đều được sự chấp thuận giữa bộ GTVT, Bộ Tài chính và địa phương làm cho mật độ trạm thu phí càng dày đặc thêm.

Bên cạnh đó, còn có tình trạng cứ qua trạm là thu phí, không kể chiều dài đi được bao nhiêu đều có mức thu như nhau khiến người dân và DN tại địa phương nơi đặt trạm thu phí phải trả phí rất cao hàng ngày dù đi quãng đường rất ngắn.

Từ thực trạng này, Kiểm toán nhà nước đề nghị phải quy định rõ ràng hơn về vị trí đặt các trạm thu phí đúng trên tuyến đường trên dự án thực hiện, khoảng cách giữa các trạm tối thiểu 70km.

Liên quan tới việc quản lý dự án BOT, đại diện Kiểm toán nhà nước cho rằng, trong cả 2 trường hợp đấu thầu và chỉ định thầu đều rất khó khăn cho quản lý, kiểm tra kiểm soát và hiện nay hầu hết các dự án BOT đều theo hình thức chỉ định thầu.

Không chỉ vậy, chất lượng công tác thiết kế cơ sở chưa tốt, trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh bổ sung dự án dẫn đến phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư. Do vậy, sau khi rà soát các chỉ tiêu đầu vào, tính toán lại phương án tài chính sát thực tế, phù hợp quy định, Kiểm toán Nhà nước đã giảm thời gian thu phí hoàn vốn của các dự án từ 10 tháng – 13 năm so với phương án tài chính ban đầu. 

Chuyên đề