Không xem nhẹ đánh giá tác động môi trường

(BĐT) - Với một số nước phát triển, kinh phí dành cho quản lý, bảo vệ môi trường chiếm tới 30% tổng mức đầu tư của một dự án. Với nước ta, mặc dù yêu cầu này chưa thể được thực hiện, nhưng các cơ quan quản lý có trách nhiệm phải tạo hành lang pháp lý thuận lợi giúp doanh nghiệp (DN) tuân thủ tốt nhất công tác bảo vệ môi trường.
Bảo vệ môi trường là trách nhiệm bắt buộc đối với doanh nghiệp có dự án, hoạt động sản xuất có khả năng gây ô nhiễm. Ảnh: Hải An
Bảo vệ môi trường là trách nhiệm bắt buộc đối với doanh nghiệp có dự án, hoạt động sản xuất có khả năng gây ô nhiễm. Ảnh: Hải An

Đánh giá tác động môi trường để lựa chọn dự án đầu tư

Theo ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, cả nước hiện có trên 600.000 doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực. Số lượng DN này đang hàng ngày sản xuất ra khối lượng của cải vật chất không nhỏ cho xã hội, nhưng cũng đồng thời phát thải ra môi trường khối lượng chất thải lớn. Theo tính toán, mỗi năm, Việt Nam phát thải khoảng 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, 7 triệu tấn chất thải công nghiệp, trên 1 triệu tấn chất thải nguy hại và nước thải các khu công nghiệp, làng nghề khoảng trên 1 triệu m3/ngày đêm... Nguồn chất thải này nếu không được xử lý tốt thì sẽ hủy hoại môi trường sống.

Ông Nguyễn Vũ Trung, Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường cho rằng, bảo vệ môi trường là trách nhiệm bắt buộc đối với DN có dự án, hoạt động sản xuất có khả năng gây ô nhiễm. Vì vậy, khi có ý định đầu tư vào một lĩnh vực nào đó, DN ngoài việc tìm hiểu các quy định liên quan đến đầu tư, cũng cần phải tìm hiểu các vấn đề liên quan đến quản lý môi trường, tài nguyên thiên nhiên và các vấn đề khác.

Cũng theo ông Trung, với giai đoạn chuẩn bị đầu tư, khung khổ chính sách đang có công cụ là đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và Báo cáo ĐTM để cân nhắc việc có nên hay không việc lựa chọn đầu tư một dự án. Thực hiện ĐTM và Báo cáo ĐTM đưa ra những biện pháp giảm thiểu, phòng ngừa và các chương trình giám sát môi trường nhằm giảm thiểu tối đa tác động của dự án đối với môi trường, xã hội. “ĐTM là công cụ cân nhắc đầu tư, lựa chọn đầu tư dự án cho phù hợp” – ông Trung nhấn mạnh.

Không coi ĐTM là một thủ tục hành chính

Từ góc độ DN, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghiệp tàu thủy Shinec nêu vấn đề, trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, DN phải trải qua nhiều thủ tục để được cấp giấy phép về thẩm định phòng cháy chữa cháy, thẩm định về ĐTM rồi mới được cấp giấy phép xây dựng. Trong khi đó, DN rất cần nguồn vốn của mình được đầu tư và sinh lời. Nếu kéo dài thời gian cấp phép các thủ tục trên thì DN sẽ mất nhiều cơ hội trong quá trình đầu tư.

Thực tiễn cho thấy, quá trình lựa chọn đơn vị tư vấn xây dựng ĐTM còn nhiều khó khăn do giá cả, chất lượng của các đơn vị tư vấn xây dựng ĐTM hiện rất khác nhau. Trong trường hợp, DN lựa chọn đơn vị tư vấn không đủ năng lực, giá rẻ thì hồ sơ ĐTM của DN sẽ không tốt, dẫn tới quá trình cấp phép bị chậm lại. Trước thực tiễn này, DN mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước và địa phương xây dựng và công bố danh sách đơn vị tư vấn có đủ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ để DN lựa chọn tư vấn đàm phán. Việc giảm bớt thời gian trong thủ tục về cấp giấy phép thẩm định phòng cháy chữa cháy, ĐTM sẽ giúp DN tận dụng được cơ hội đầu tư.

Trao đổi cùng DN về vấn đề này, ông Nguyễn Vũ Trung bày tỏ quan điểm, không nên coi ĐTM như là một thủ tục hành chính, vì sẽ dẫn đến khâu tham vấn không thực hiện đầy đủ. Hệ quả dự án sau đó bị cộng đồng xã hội phản đối, dẫn tới bị đẩy lùi tiến độ nhiều năm, gây thiệt hại cho DN.

Theo ông Trung, nếu việc thực hiện ĐTM được DN nhận thức là công cụ bảo đảm quá trình triển khai dự án đến khi vận hành được thuận lợi, thông suốt thì chính DN sẽ là người hưởng lợi. ĐTM là việc DN làm, chứ không phải thủ tục hành chính thông thường. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, để giảm gánh nặng cho DN trong các báo cáo ĐTM, cần xác định rõ những việc phải làm (như trách nhiệm quan trắc môi trường xung quanh).

Chuyên đề