Không để thả nổi chất lượng vật liệu xây dựng

(BĐT) - Việc hợp chuẩn, hợp quy sản phẩm vật liệu xây dựng (VLXD) trong bối cảnh hội nhập nhằm tránh “thả nổi” chất lượng là vấn đề cấp thiết hiện nay, nhất là khi nguy cơ tiêu thụ VLXD giả, kém chất lượng luôn hiển hiện.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Tăng trưởng lớn, nhưng cần hợp chuẩn

Trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế VietBuild 2016 tại TP.HCM, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên thuộc Bộ Công Thương dự đoán, ngành VLXD Việt Nam sẽ có bước tăng trưởng lớn trước ngưỡng cửa TPP.

Theo ông Thái, ngành này sẽ có thêm nhiều cơ hội đến từ xuất khẩu do được tiếp cận tốt hơn tại các thị trường chính, nhất là Hoa Kỳ. Khả năng thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực VLXD sẽ tăng, các doanh nghiệp (DN) FDI trong ngành sẽ hiện diện ở mức độ cao hơn hiện nay.

Đánh giá của Bộ Xây dựng cho thấy, ngành VLXD trong nước đang tăng trưởng khá và hiện chiếm khoảng 70% tổng mức đầu tư công trình xây dựng. Giá trị sản xuất của ngành xây dựng vào năm 2015 đã đạt 974.000 tỷ đồng (khoảng 44,3 tỷ USD),  tăng 11,4% so với năm 2014. Riêng lượng xi măng tiêu thụ đã đạt 72 triệu tấn (tăng 9,5% so với 2014).

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, các loại VLXD chủ yếu như xi măng, kính xây dựng, các loại gốm sứ, gạch ceramic, các loại vật liệu trang trí hoàn thiện nội thất... đều có sức tiêu thụ rất mạnh. Chẳng hạn như xi măng, kính, gốm sứ Việt Nam đang đứng hàng đầu khu vực ASEAN và đứng thứ 5 trên thế giới về sản lượng và chủng loại.

Tuy nhiên, theo ông Nam, trước số DN VLXD ngày càng nhiều, đòi hỏi công tác quản lý nhà nước chặt chẽ hơn để bảo đảm phát triển đúng quy hoạch và sản phẩm phải đúng chất lượng, đạt đẳng cấp quốc tế. Trong quá trình sản xuất, các DN nên cập nhật công nghệ cao để tiết kiệm tài nguyên, năng lượng và đưa ra thị trường các sản phẩm phù hợp khuynh hướng phát triển xanh.

Vì vậy, việc nâng cao quản lý VLXD bằng các quy định hợp chuẩn, hợp quy và quản lý dự án, chất lượng công trình xây dựng là cực kỳ cần thiết. TS. Lê Trung Thành, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường thuộc Bộ Xây dựng cho rằng, khi hợp chuẩn, hợp quy, VLXD sẽ mang lại lợi ích lớn cho DN là duy trì ổn định chất lượng, cải tiến năng suất, giảm tỷ lệ phế phẩm. Điều này cũng giúp DN có ưu thế cạnh tranh với sản phẩm cùng loại chưa hợp chuẩn, hợp quy và được tham gia vào bảng công bố giá VLXD do sở xây dựng ban hành.

Không để thả nổi

Kết quả khảo sát mới đây của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho thấy, có đến 62% người tiêu dùng khi mua sản phẩm không hề biết đó là thật hay giả vì không phân biệt được giả, thật.
TS. Lê Trung Thành nhận định, việc hợp chuẩn, hợp quy VLXD sẽ giúp Nhà nước hạn chế nhập siêu thông qua hàng rào kỹ thuật trong thương mại, hạn chế được hàng hoá kém chất lượng. Nó cũng tạo nền tảng về thông tin, dữ liệu phục vụ xây dựng cơ chế và chính sách điều tiết thị trường, cũng như khuyến khích các sản phẩm, hàng hoá thân thiện môi trường.

Ông Lê Trung Thành cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm của các nhà thầu cung ứng sản phẩm xây dựng, VLXD cho các công trình. Nhà thầu phải thực hiện thí nghiệm kiểm tra chất lượng và cung cấp các chứng chỉ, chứng nhận… theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá.

Trong Nghị định số 12/2013/NĐ-CP và Thông tư số 02/2014/TT-BXD của Bộ Xây dựng về xử phạt hành chính liên quan đến chất lượng VLXD cũng lưu ý, các chủ đầu tư có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đến 50 triệu đồng đối với các hành vi không có chứng chỉ vật liệu đầu vào, kết quả thí nghiệm vật liệu và các cấu kiện theo quy định trong hồ sơ nghiệm thu. Đối với nhà thầu, sẽ bị phạt tiền từ 60 triệu đến 80 triệu đồng đối với hành vi không sử dụng hoặc sử dụng sai quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn xây dựng được quy định.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, mức xử phạt vẫn  chưa đủ sức răn đe các DN làm ăn phi pháp hay các nhà thầu tuồn VLXD không đạt chuẩn, vi phạm hợp quy hoặc kém chất lượng vào các công trình xây dựng. Điều cần làm hiện giờ của các cơ quan quản lý nhà nước là không để “thả nổi” chất lượng VLXD.

Kết quả khảo sát mới đây của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho thấy, có đến 62% người tiêu dùng khi mua sản phẩm không hề biết đó là thật hay giả vì không phân biệt được giả, thật.

Chuyên đề