Khơi vốn vào Khu CNC Hòa Lạc

(BĐT) - Đa số đại diện cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao những bước tiến trong cải thiện môi trường đầu tư tại Khu công nghệ cao (KCNC) Hòa Lạc. 
Năm 2016, Ban Quản lý KCNC Hòa Lạc đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 9 dự án trong lĩnh vực sản xuất, nghiên cứu công nghệ cao, cung cấp dịch vụ…  Ảnh: Lê Tiên
Năm 2016, Ban Quản lý KCNC Hòa Lạc đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 9 dự án trong lĩnh vực sản xuất, nghiên cứu công nghệ cao, cung cấp dịch vụ… Ảnh: Lê Tiên

Tuy nhiên, tại Hội nghị đầu tư 2016 vào KCNC Hòa Lạc vừa diễn ra, làm thế nào để đẩy mạnh thu hút đầu tư và nâng tỷ lệ lấp đầy là câu chuyện được nhiều đại biểu quan tâm.

Sẵn sàng thu hút đầu tư

Tại Hội nghị, ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đánh giá cao sự chuẩn bị tích cực về hạ tầng và sự sẵn sàng về nguồn nhân lực chất lượng cao của KCNC Hòa Lạc cộng với những cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư đầy hấp dẫn... Tính đến ngày 20/11/2016, số lượng dự án đầu tư vào nghiên cứu khoa học, công nghệ cao là 684 dự án, đứng thứ ba sau lĩnh vực chế biến, chế tạo và bất động sản. Điều này chứng tỏ lĩnh vực công nghệ cao đang nhận được sự quan tâm và thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Theo báo cáo của Ban Quản lý KCNC Hòa Lạc, trong năm 2016 đã có 9 dự án trong lĩnh vực sản xuất, nghiên cứu công nghệ cao, cung cấp dịch vụ… được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4.330 tỷ đồng trên tổng diện tích 15,23 ha. Hiện đã có 78 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký lên tới hơn 60 nghìn tỷ đồng trên tổng diện tích 348 ha, trong đó có 36 dự án đang hoạt động với trên 10.000 người đang làm việc và học tập trong KCNC Hòa Lạc.

Nhiều trường đại học và viện nghiên cứu với quy mô lớn, theo mô hình tiên tiến được chính phủ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp hỗ trợ đã và đang được triển khai xây dựng tại đây. Các dự án của các doanh nghiệp công nghệ cao của nước ngoài và các tập đoàn lớn trong nước như VNPT, Viettel… đã đi vào hoạt động. Điển hình như VNPT Technology đã đầu tư và đưa vào vận hành nhà máy tại KCNC Hòa Lạc với công suất lên tới 24.000 sản phẩm mỗi ngày, đáp ứng 100% sản phẩm phục vụ hoạt động sản xuất của VNPT và xuất khẩu ra thị trường quốc tế. 

Đề xuất các giải pháp thu hút đầu tư

Để hiện thực hóa chính sách và cơ hội đầu tư, ông Đặng Xuân Quang đưa ra một số đề xuất. Cụ thể, thúc đẩy mạnh mẽ nguồn lực hạ tầng đầu tư bằng nhiều phương thức hợp tác, đặc biệt là hợp tác công tư... Về xúc tiến đầu tư, cần xây dựng chương trình, kế hoạch xúc tiến đầu tư thực sự có hiệu quả, trong đó học tập kinh nghiệm của các KCNC trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan... nhằm thu hút được những dự án động lực cho cả KCNC Hòa Lạc và từng khu chức năng. Về cơ chế quản lý, cần xác định cơ chế phân cấp mạch lạc, hình thành cơ chế phối hợp với Chính phủ, Bộ KH&ĐT, hải quan...

Bên cạnh đó, với mục tiêu trở thành một thành phố vệ tinh phát triển mạnh về khoa học và công nghệ, nên cần có sự quan tâm sâu sắc của các cấp chính quyền với những chính sách dài hạn. Cục Đầu tư nước ngoài sẽ luôn đồng hành với Ban Quản lý để hiện thực hóa các chính sách và tiềm năng phát triển của KCNC Hòa Lạc.

Chuyên gia của JETRO chia sẻ, tổ chức này đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, theo JETRO, hiện mới chỉ có 3 doanh nghiệp Nhật đầu tư vào KCNC Hòa Lạc. Đặt vấn đề làm thể nào để thu hút nhiều hơn doanh nghiệp Nhật Bản vào KCNC Hòa Lạc, đại diện JETRO đưa ra 3 khuyến nghị. Thứ nhất, bản thân KCNC Hòa Lạc cũng phải nâng cao vị thế của mình. KCNC Hòa Lạc phải tăng cường sự quảng bá hình ảnh tích cực và thường niên. Thứ hai là cần minh bạch và rõ ràng hơn nữa quy trình đầu tư vào KCNC Hòa Lạc. Hiện có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản chưa hiểu rõ về tiêu chí xác định doanh nghiệp được đầu tư vào KCNC Hòa Lạc, quy trình thẩm định như thế nào. Những cơ chế, chính sách và quy trình thẩm định này cần được dịch sang tiếng Anh, tiếng Nhật... để hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài. Thứ ba là cần có thái độ hỗ trợ tích cực, giảm phát sinh những vấn đề về thủ tục hành chính như thuế, hải quan... Mỗi doanh nghiệp Nhật Bản khi đầu tư vào KCNC Hòa Lạc đều mong muốn được hỗ trợ một cách tối đa và được cung cấp thông tin nhiều hơn nữa.

Cam kết với các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đại Dương cho biết, Bộ sẽ kiến nghị với TP. Hà Nội về việc kết nối hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối toàn khu vực với KCNC Hòa Lạc. Thứ trưởng cũng cam kết về việc đáp ứng yêu cầu chiếu sáng, nhà ở công nhân trong KCNC này cùng với nhu cầu ăn ở, học tập và vui chơi giải trí.

Chuyên đề