Khơi dòng FDI từ Nhật Bản

(BĐT) - Cùng trao đổi thông tin để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động cũng như tìm hiểu về môi trường đầu tư tại Việt Nam là nội dung thảo luận tại buổi Đối thoại kinh tế Việt Nam - Kansai lần thứ nhất diễn ra sáng ngày 13/9 tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của Chính phủ Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên
Doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của Chính phủ Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên

Môi trường đầu tư có chuyển biến tích cực

Tại Buổi đối thoại, phía doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là doanh nghiệp Nhật Bản. Điểm nổi bật đáng ghi nhận nhất, theo đại diện Tập đoàn Daikin, nhà đầu tư đang triển khai xây dựng nhà máy sản xuất điều hòa không khí tại Khu công nghiệp Thăng Long 2, là thời gian thực hiện các thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư đã được rút ngắn rõ rệt. Chỉ trong vòng 3 ngày làm việc, nhà đầu tư này đã nhận được Giấy chứng nhận đầu tư. “Với tiến độ này, Nhà máy có thể bắt đầu đi vào sản xuất vào năm 2018”, nhà đầu tư lạc quan tin tưởng.

Ông Shosuke Mori, Chủ tịch Liên đoàn Kinh tế vùng Kansai cho biết, hiện Liên đoàn có 1.580 doanh nghiệp thành viên đang hoạt động tại Việt Nam. Tại khu vực ASEAN, số lượng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam chỉ đứng sau Thái Lan. Với việc tham gia vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Cộng đồng Kinh tế ASEAN…, Việt Nam ngày càng thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư Nhật Bản.

Bên cạnh việc ghi nhận những kết quả đạt được, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng bày tỏ mối quan tâm về nhu cầu công nghiệp hỗ trợ; tuyển dụng lao động đã qua đào tạo; chính sách bảo hộ cho ngành thép trong nước; chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực môi trường… và mong muốn phía Việt Nam có sự hỗ trợ, phối hợp. Theo một số doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam, tỷ lệ nội địa hóa các linh kiện công nghiệp hỗ trợ vẫn còn thấp, mới chỉ chiếm khoảng 30% nhu cầu. Các quy định về làm thêm ngoài giờ, nhân viên chính thức đang là trở ngại đối với một số doanh nghiệp Nhật Bản. Một số doanh nghiệp cũng tỏ ra lo ngại về chính sách bảo hộ cho ngành thép trong nước, xuất khẩu quặng titan... 

Cam kết minh bạch hóa các điều kiện đầu tư kinh doanh

Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đối với việc tạo dựng một môi trường đầu tư thuận lợi cho các nhà đầu tư yên tâm đầu tư vào Việt Nam thông qua việc xây dựng hệ thống cơ sở pháp lý đồng bộ, thực thi thống nhất từ Trung ương tới địa phương
Tại Buổi đối thoại, đại diện các bộ, ngành đã trực tiếp giải đáp những thắc mắc, tháo gỡ những khó khăn mà các doanh nghiệp Nhật Bản đang gặp phải.

Đại diện Bộ Công Thương khẳng định, Việt Nam luôn tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, không phân biệt doanh nghiệp Nhật Bản với doanh nghiệp trong nước. Doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam được hưởng lợi rất lớn từ các FTA mà Việt Nam tham gia. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội này, doanh nghiệp Nhật Bản cần lưu ý nguyên tắc xuất xứ của TPP, tỷ lệ hàng hóa nội khối… Khi gặp khó khăn, doanh nghiệp cần phản ánh sớm cho các cơ quan chức năng để có sự hỗ trợ kịp thời.

Ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định với các doanh nghiệp Nhật Bản rằng, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đối với việc tạo dựng một môi trường đầu tư thuận lợi cho các nhà đầu tư yên tâm đầu tư vào Việt Nam thông qua việc xây dựng hệ thống cơ sở pháp lý đồng bộ, thực thi thống nhất từ Trung ương tới địa phương.

Theo đại diện Vụ Pháp chế thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Luật Đầu tư năm 2014 đã có những bước cải tiến mạnh mẽ với những quy định rõ ràng về ngành nghề có điều kiện kinh doanh, doanh nghiệp được tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm; cắt giảm những điều kiện không cần thiết. Mục đích là để minh bạch hóa các điều kiện đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Không dừng ở đó, Chính phủ giao các bộ, ngành rà soát, tiếp tục cắt giảm các điều kiện kinh doanh. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang được giao chủ trì phối hợp với các bộ, ngành và các cơ quan liên quan, hiệp hội doanh nghiệp soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư kinh doanh và dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp diễn ra vào tháng 10 tới.

Chuyên đề