Khát vốn cho sản xuất nông sản sạch

(BĐT) - Nông sản sạch đang là trào lưu tiêu dùng mạnh hiện nay. Trong TPP và các FTA cũng nhấn nhá chữ “sạch” cho nông sản xuất khẩu. Nhưng với các doanh nghiệp (DN) nông sản Việt, để đáp ứng tiêu chí “sạch” thì vấn đề đầu tiên là tiền đâu?
Mức hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào nông sản sạch còn quá khiêm tốn. Ảnh: Tất Tiên
Mức hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào nông sản sạch còn quá khiêm tốn. Ảnh: Tất Tiên

Yếu vốn nên thiếu sạch

Hiện nay, nhu cầu sản xuất nông sản công nghệ sạch để tiêu thụ nội địa và xuất khẩu đang “khát” vốn đầu tư. Nhất là cần vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư máy móc công nghệ chế biến sạch, hiện đại và mở rộng thị trường.

Tại Hội thảo “3C: lời giải cho nông nghiệp thời hội nhập”, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, chế biến nông sản sạch là xu thế lớn hiện nay, nhưng mức độ đầu tư và sự dấn thân của DN cho những dự án “sạch” còn khiêm tốn do thiếu vốn và kinh nghiệm. Không có nhiều vốn để đầu tư và chấp nhận rủi ro là “rào cản” lớn khiến DN chưa thể đưa nông sản sạch đứng vững tại thị trường nội địa và thâm nhập sâu thị trường thế giới.

Còn theo Tổng giám đốc Vinamit Nguyễn Lâm Viên, các thị trường xuất khẩu đang có tín hiệu tốt cho các sản phẩm “sạch” như nông sản hữu cơ (organic farming) đã qua chế biến. Nếu nông sản Việt đi theo hướng này, sẽ tạo lợi thế cạnh tranh tốt trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, để “bùng nổ” xu hướng sản xuất kinh doanh nông sản hữu cơ, nhất là với các DN trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực này, thì vấn đề lớn vẫn là vốn đầu tư và kỹ năng quản trị.

Trên thực tế, cũng có những nhà đầu tư nông sản sạch đã nghĩ đến việc mở rộng quy mô, nâng cấp sản phẩm, mong muốn làm gia tăng giá trị sản phẩm. Điều này cho thấy họ cũng có tham vọng và có lòng tin phát triển sản phẩm sạch ra thị trường.

Tuy nhiên, họ cũng có nhiều trăn trở về việc làm thế nào để tìm vốn đầu tư cho phát triển quy mô lớn và áp dụng công nghệ hiện đại trong bảo quản, chế biến, đóng gói, tiêu thụ? Và làm thế nào để kết nối với thương lái nhỏ với người sản xuất để tạo dựng lòng tin, bảo đảm chất lượng sản phẩm ngay từ khâu sản xuất, thu mua? 

Trăn trở vốn đầu tư

Ông Võ Phát Triển, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Việt Đức (một doanh nghiệp tại Đồng Tháp chuyên sản xuất mặt hàng xoài sấy dẻo theo công nghệ sạch) cho biết, có khách hàng ở Đức đặt hàng mỗi tháng 3 container loại 40 feet, nhưng Việt Đức phải từ chối vì không đủ năng lực. Theo ông Triển, việc thu xếp vốn để xuất khẩu số lượng lớn nông sản công nghệ sạch theo tiêu chuẩn, nhu cầu của Đức là cả một vấn đề nan giải. Khi được hỏi có nhận được sự hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước trong việc thu xếp vốn, ông Võ Phát Triển nói không nhận được gì, tất cả đều bằng đồng vốn tự lo. Còn chính quyền địa phương chỉ tháo gỡ một số thủ tục giấy phép cho nhanh hơn thôi.

Đồng cảnh ngộ là ông Đỗ Văn Dũng, Giám đốc Công ty Sản xuất thanh long sấy dẻo Bé Dũng. Nhận thấy bất cập của việc phát triển ồ ạt cây thanh long ở Bình Thuận với giá cả bấp bênh nên ông quyết định đầu tư chế biến thanh long sạch sấy dẻo công nghệ sạch với số vốn hơn 20 tỷ đồng để hướng đến xuất khẩu.

Ông Dũng cho biết, nguồn vốn này ông tự vất vả xoay xở chứ không có ngân hàng nào tin tưởng cho vay. Đến giờ việc thu hồi vốn vẫn chưa thông, việc tìm đầu ra xuất khẩu cho thanh long sấy dẻo còn loay hoay do chưa có một thị trường nhất định.

Về vấn đề này, một số chuyên gia kinh tế nhận định, chính sách hỗ trợ, nhất là vốn vay, cho DN đầu tư vào nông nghiệp nói chung và nông sản sạch nói riêng còn quá khiêm tốn. Cũng theo giới chuyên gia, vốn đầu tư, thanh toán cho nông dân trồng nông sản sạch là khá lớn. Vốn đầu tư hạ tầng của DN cũng lớn, thu hồi lại chậm, nhiều rủi ro. Đó là chưa kể áp lực bị thua lỗ do cạnh tranh không lành mạnh từ các DN khác. Thị trường tiêu thụ nông sản sạch còn chưa ổn định.

Trong một phát biểu gần đây, GS. TS. Võ Tòng Xuân cho rằng, đối với các DN xây dựng nhà máy hoặc khu công nông nghiệp chế biến và bảo quản nông sản với thiết bị hiện đại thì nên có quỹ khuyến khích của Nhà nước thông qua phối hợp giữa ngành công thương và Ngân hàng Nhà nước.

Khi nông dân thu hoạch nông sản nguyên liệu, DN nên thu mua sòng phẳng, tiến hành chế biến sản phẩm, đăng ký thương hiệu, bảo quản an toàn đến khi xuất hàng ra thị trường. Về phía ngành công thương, cần tạo điều kiện cho DN đi xúc tiến thương mại sản phẩm có thương hiệu đã xuất xưởng.

Chuyên đề