Khảo sát “đất sống” của hàng Việt

(BĐT) - Để hàng tiêu dùng Việt đủ sức đứng chân tại thị trường TP.HCM là cả một bài toán nan giải trong bối cảnh khối ngoại đang chi phối mạnh ngành bán lẻ.
Chuỗi siêu thị Metro Cash & Carry Việt Nam đã về tay Tập đoàn TCC (Thái Lan). Ảnh: LTT
Chuỗi siêu thị Metro Cash & Carry Việt Nam đã về tay Tập đoàn TCC (Thái Lan). Ảnh: LTT

Đo độ phủ ngành bán lẻ

Mới đây, Sở Công Thương TP.HCM đã thông báo mời thầu gói thầu Tư vấn thực hiện Chương trình khảo sát về thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh hàng Việt Nam và nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng của người dân TP.HCM. Gói thầu này sử dụng nguồn vốn ngân sách Thành phố, dự kiến thực hiện trong khoảng 9 tháng.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh hàng Việt (nhất là mặt hàng tiêu dùng) tại thị trường TP.HCM đang chịu áp lực mạnh khi các kênh phân phối lớn đang bị thao túng và chi phối bởi các tập đoàn bán lẻ đa quốc gia. Nhất là những thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) lớn nhất tại thị trường bán lẻ của TP.HCM và cả nước trong thời gian gần đây đều do người Thái Lan thực hiện. Và thị hiếu người tiêu dùng tại TP.HCM dường như cũng bị cuốn vào xu thế này.

Đơn cử như Tập đoàn TCC của Thái Lan trong tháng 1/2016 đã hoàn tất thâu tóm chuỗi siêu thị Metro Cash & Carry Việt Nam bao gồm 19 siêu thị, sau khi đã mua chuỗi bán lẻ Family Mart tại Việt Nam năm 2013. Hoặc như tập đoàn bán lẻ lớn nhất Thái Lan là Central Group đã thâu tóm gần phân nửa cổ phần của chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim trong đầu năm 2015. Tập đoàn này cũng sở hữu chuỗi bán lẻ Robins nhằm phân phối hàng Thái tại TP.HCM. 

Và mới đây nhất, việc chuyển nhượng hệ thống Big C Việt Nam (chiếm khá lớn thị phần bán lẻ tại TP.HCM) cũng đang được xúc tiến với nhiều “đại gia” của khối ngoại muốn nhảy vào, trong đó có Tập đoàn TCC, Central Group.

Trong khi đó, theo nhận định gần đây của Sở Công Thương TP.HCM, tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống phân phối chiếm 90 - 100% hàng hoá bày bán. Cụ thể, hệ thống siêu thị Big C: 96%, hệ thống Satramart, Satrafood: 95%... Không những vậy, trong bối cảnh hội nhập phải cạnh tranh gay gắt nhưng hàng Việt vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong hệ thống phân phối của Thành phố.

Riêng kết quả khảo sát tại các chợ truyền thống ở Thành phố cho thấy tỷ lệ hàng Việt đạt bình quân 80%, tại siêu thị, cửa hàng thuộc hệ thống thương mại đạt bình quân 90%.

Ở góc nhìn khác, giới chuyên gia ngành bán lẻ lại cho rằng, thực chất độ phủ sóng của hàng Việt chủ yếu là hàng do doanh nghiệp Việt Nam gia công cho các công ty đa quốc gia, còn đa phần là hàng do các tập đoàn bán lẻ đa quốc gia sản xuất hoặc nhãn hàng riêng của các siêu thị. Còn hàng Việt “gốc” - do các doanh nghiệp Việt nhỏ và vừa sản xuất thì tiềm lực mỏng, dễ bị khối ngoại đánh văng ra khỏi hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại quy mô lớn ở TP.HCM. 

Cần hệ thống phân phối mạnh

Sở Công Thương TP.HCM cho biết, trong năm 2015 Thành phố có 179 siêu thị, 38 trung tâm thương mại, 723 cửa hàng tiện lợi (kể cả các quận ven, huyện ngoại thành), tăng 5 siêu thị, 5 trung tâm thương mại, 83 cửa hàng tiện lợi so với năm 2014.

Theo đó, TP.HCM hiện có số lượng chợ, siêu thị và trung tâm thương mại nhiều nhất cả nước, chiếm khoảng 3% số lượng chợ, 25% số siêu thị và khoảng 23% trung tâm thương mại của Việt Nam. Chính vì thế, đây là cầu nối để đưa hàng hoá đến với người tiêu dùng ở TP.HCM và cả nước.

Thế nhưng, riêng kênh phân phối ở các chợ tại TP.HCM, theo nhận định của giới chuyên gia tiêu dùng, cứ tưởng đây sẽ là phân khúc thị trường phù hợp cho hàng Việt phát huy sức mạnh nhưng cũng không dễ. Nhờ vốn mạnh và nguồn nhân lực tốt nên khối ngoại vẫn chiếm ưu thế nhờ biết cách chăm sóc tiểu thương như huấn luyện cách bán hàng, liên kết khiến hàng Việt cũng khó có cửa bán hàng tại nhiều chợ.

Rõ ràng, vị thế của hàng tiêu dùng Việt tại TP.HCM rất dễ lung lay khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và đang dần có hiệu lực.        

Theo Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Phạm Thành Kiên, thời gian tới cần tổ chức các hoạt động kết nối doanh nghiệp với các đơn vị có hệ thống phân phối lớn mạnh, tăng cường mở rộng mạng lưới phân phối và độ phủ của hàng hóa Việt.

Cũng theo ông Phạm Thành Kiên, cần hoàn thiện quy hoạch phát triển hệ thống phân phối. Cụ thể là hệ thống chuyên doanh theo ngành hàng, kinh doanh tổng hợp. Đồng thời cần phát triển theo địa bàn thành thị, nông thôn, kết hợp các phương thức kinh doanh: trung tâm thương mại có quy mô lớn, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các chợ đầu mối, chợ bán buôn, bán lẻ...

Chuyên đề