Jetro: Hơn 60% công ty Nhật ở Việt Nam có lãi

Báo cáo vừa công bố của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro) cho thấy tình hình kinh doanh của công ty Nhật Bản tại đây đang ngày một cải thiện.
Chi phí nhân công được đánh giá là rủi ro lớn nhất về môi trường đầu tư tại Việt Nam. Ảnh:Nikkei
Chi phí nhân công được đánh giá là rủi ro lớn nhất về môi trường đầu tư tại Việt Nam. Ảnh:Nikkei

Trong hơn 600 doanh nghiệp tham gia khảo sát, 62,8% trả lời đang "có lãi", tăng so với 58,8% năm trước đó. Tỷ lệ này cao hơn một số quốc gia trong khu vực, như Thái Lan hay Indonesia, nhưng vẫn thấp hơn Philippines (77,5%) hay Trung Quốc (64,4%).

Hơn 60% công ty cũng khẳng định có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam, chủ yếu để "tăng doanh thu". Trong khi đó, với riêng các doanh nghiệp phi chế tạo, động lực chính lại là "khả năng tăng trưởng và tiềm năng cao".

Các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao tình hình chính trị, xã hội ổn định tại Việt Nam và coi đây là lợi thế về môi trường đầu tư. Ngoài ra, quy mô thị trường - khả năng tăng trưởng và chi phí nhân công rẻ cũng là các yếu tố hấp dẫn. Việt Nam cũng là quốc gia được các doanh nghiệp Nhật Bản dự đoán việc kinh doanh được tác động nhiều nhất nếu Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực.

Dù vậy, cũng như kết quả trước đó, rào cản ngôn ngữ tại Việt Nam vẫn được đánh giá là lớn nhất trong 15 quốc gia được Jetro khảo sát. Các nước được đánh giá thuận lợi nhất về ngôn ngữ là Philippines, Malaysia và Srilanka.

Khả năng nội địa hóa sản xuất tại Việt Nam cũng cải thiện so với năm ngoái, khi lên 34,2%. Jetro đánh giá tỷ lệ này cao hơn Philippines, nhưng vẫn thấp hơn Trung Quốc (68%) hay Thái Lan (57%). Cơ quan này cho rằng Việt Nam cần tăng nội địa hóa hơn nữa để giảm chi phí sản xuất.

Khi được hỏi về rủi ro trong môi trường đầu tư tại Việt Nam, 60% doanh nghiệp Nhật Bản đã chọn "chi phí nhân công tăng cao", dù chi phí cho lao động tại Việt Nam còn thấp hơn nhiều nước trong khu vực, như Trung Quốc, Thái Lan hay Malaysia. Ông Atsusuke Kawada - Trưởng đại diện Văn phòng Jetro Hà Nội cho rằng để giải quyết khó khăn về giá nhân công, các doanh nghiệp Nhật Bản có thể tăng đào tạo để nâng cao năng suất lao động.

Nằm trong top 5 rủi ro lớn nhất còn có pháp lý, cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính và thuế. Tuy vậy, trừ chi phí nhân công, tỷ lệ doanh nghiệp chọn 4 hạng mục này đã giảm đáng kể so với năm ngoái, đặc biệt là thủ tục hành chính (giảm 19,3%).

Ông Kawada cũng cho biết những năm gần đây, các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam chủ yếu là công ty vừa và nhỏ. Họ có xu hướng đổ tiền vào các ngành công nghiệp phi chế tạo, tận dụng lực lượng lao động tại đây khi dân số trong nước đang già hóa. Và nông nghiệp sẽ là trọng tâm đầu tư trong thời gian tới.

Đây là năm thứ 30 Jetro thực hiện khảo sát về thực trạng hoạt động, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại châu Á, châu Đại Dương. Khảo sát được thực hiện tháng 10 và tháng 11 năm ngoái, với sự tham gia của hơn 4.600 doanh nghiệp tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 639 công ty ở Việt Nam. 

Chuyên đề