Hợp tác đầu tư Việt - Nga: Khi dòng vốn chảy ngược

Ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam dốc vốn đầu tư sang Liên bang Nga, nhằm tìm kiếm và mở rộng thị trường. Hiện vốn đầu tư của Việt Nam tại Nga đã lớn hơn nhiều vốn đầu tư mà doanh nghiệp Nga đổ vào Việt Nam.
Hợp tác đầu tư Việt - Nga không còn bó hẹp trong lĩnh vực truyền thống dầu khí. Ảnh: Đức Thanh
Hợp tác đầu tư Việt - Nga không còn bó hẹp trong lĩnh vực truyền thống dầu khí. Ảnh: Đức Thanh

Chỉ một ngày nữa (ngày 18/5), theo kế hoạch, Tập đoàn TH sẽ chính thức khởi công giai đoạn I, Dự án Tổ hợp Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tại tỉnh Moscow (Liên bang Nga). Với tổng vốn đầu tư lên tới 2,7 tỷ USD, đây là dự án đầu tư lớn nhất mà các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện tại Nga cho tới thời điểm này, đồng thời cũng là dự án đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất, chế biến sữa tại Nga.

Theo kế hoạch, Dự án sẽ được triển khai làm 3 giai đoạn, thực hiện trong 10 năm. Trong đó, giai đoạn I tại Moscow có vốn đầu tư 500 triệu USD, với các hạng mục chính như phát triển vùng nguyên liệu tập trung rộng hơn 50.000 ha, đàn bò 45.000 con, trong đó có 21.600 con bò cho sữa; xây dựng nhà máy sữa công suất 800 tấn/ngày; nhà máy thức ăn gia súc công suất 400.000 tấn/năm. Đồng thời, TH cũng dự kiến thành lập chuỗi phân phối với 300 cửa hàng TH True Mart trên toàn nước Nga.

Còn nếu hoàn thành toàn bộ Dự án, thì tổng số đàn bò sẽ lên tới 350.000 con, tổng công suất chế biến sữa là 5.900 tấn/ngày, tương đương gần 1.800.000 tấn/năm, và tổng diện tích vùng nguyên liệu tập trung lên tới 140.000 ha.

“Chúng tôi rất tự tin vào khả năng thành công của TH nói riêng và ngành sữa Việt Nam nói chung ở thị trường Nga”, bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH đã từng chia sẻ như vậy với phóng viên Báo Đầu tư và cho rằng, ngành sữa Việt Nam đang có cơ hội rất lớn để thâm nhập thị trường Nga, kể từ sau khi Chính phủ Nga đưa ra lệnh cấm vận với sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu từ châu Âu, trong đó có các sản phẩm từ sữa vào hồi tháng 8/2014.

Có thể nói, động thái của TH đã đánh dấu một chặng đường mới trong hợp tác đầu tư Việt Nam - Liên bang Nga. Dòng vốn đầu tư đang chảy mạnh hơn theo hướng ngược lại, thay vì chỉ chảy xuôi từ Nga vào Việt Nam như trước đây. Quan trọng hơn, sự kiện này diễn ra đúng vào thời điểm Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới thăm chính thức Liên bang Nga và tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 20 năm Quan hệ đối thoại ASEAN - Nga, nên càng hứa hẹn các cơ hội thúc đẩy hợp tác đầu tư song phương.

Thực tế, thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã đầu tư không ít vào các dự án tại Nga. Đã có 20 dự án được đầu tư, với tổng vốn đăng ký lên tới 2,93 tỷ USD. Trong số này, đáng chú ý là các dự án Công ty liên doanh Rusvietpetro, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2,02 tỷ USD, triển khai tại Khu tự trị Nhenhexky để thăm dò và khai thác dầu khí; hay Dự án Công ty liên doanh Rusvietpetro, 125 triệu USD, cũng để thăm dò và khai thác dầu khí tại mỏ Nagumanov, Orenburg. Ngoài ra, còn dự án 190 triệu USD để xây dựng Trung tâm Thương mại Hà Nội - Moscow tại TP. Moscow...

Sau dự án khủng của TH, dòng vốn từ Việt Nam sang Nga sẽ còn “chảy” mạnh hơn nữa và tác động nhiều hơn nữa tới kinh tế - xã hội địa phương. Khi ấy, sự hiện diện của thương hiệu Việt tại Nga sẽ rộng khắp hơn, không bó hẹp trong các lĩnh vực hợp tác truyền thống lâu nay giữa Việt Nam và Liên bang Nga là dầu khí.

Trong khi đó, số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, lũy kế tính đến hết tháng 4/2016, các doanh nghiệp Nga mới đầu tư tại Việt Nam 113 dự án, với tổng vốn đăng ký 1,08 tỷ USD, đứng thứ 23 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Một con số khá khiêm tốn, thậm chí là rất khiêm tốn, bởi 4 tháng đầu năm, vốn đầu tư từ Nga vào Việt Nam chỉ vỏn vẹn hơn 70.000 USD, của 3 dự án.

Như vậy, so với thời điểm cuối năm ngoái, thống kê về vốn đầu tư từ Nga đã sụt giảm. Lý do là, Dự án Bus Industrial Center tại Bình Định, vốn đầu tư 1 tỷ USD, mới đây đã bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư vì chậm triển khai. “Mất” dự án lớn nhất, vốn đầu tư từ Nga vào Việt Nam giảm gần 1 nửa, chỉ còn một số dự án đáng chú ý là các hợp đồng dầu khí ở Lô 129,130,131,132,

do Gazprom và Zarubezhneftegaz triển khai, vốn đầu tư 328,2 triệu USD. Liên doanh Dầu khí Vietsopetro cũng là một ví dụ điển hình.

Tuy nhiên, chưa nhiều tín hiệu sáng sủa cho thấy, vốn đầu tư từ Nga sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam trong thời gian tới như kỳ vọng cách đây chưa lâu. Nguyên nhân là, ngoài Dự án Bus Industrial Center bị rút giấy chứng nhận đầu tư, cách đây ít tháng, Gazprom cũng đã tuyên bố rút khỏi kế hoạch mua cổ phần của Dự án Lọc dầu Dung Quất.

Chỉ có một thông tin tích cực, đó là cuối tháng 3 vừa qua, Ngân hàng Nga VTB và quỹ đầu tư nhà nước - Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã ký biên bản ghi nhớ tăng cường hợp tác đầu tư. Theo thỏa thuận này, các khách hàng của VTB có thể đầu tư vào các công ty và dự án mà SCIC có cổ phần. Trong khi đó, các công ty của Việt Nam với sự hỗ trợ của VTB có triển vọng đầu tư vào Cộng đồng Các quốc gia độc lập (SNG) và các nước mà VTB hoạt động.

Ngoài ra, VTB cũng sẽ hợp tác với các công ty đối tác của SCIC nhằm thu hút nguồn kinh phí và tạo ra nhiều hợp đồng trên thị trường nợ và vốn cổ phần quốc tế.

Thêm nữa, khi các thỏa thuận hợp tác được ký trước đây, như giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Công ty Rosneft về việc tham gia lô 15-1/05 tại thềm lục địa Việt Nam; hay giữa PVN và Rosneft về các điều kiện cơ bản về hợp tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí tại vùng biển Pechora; cũng như giữa PVN và Gazprom về việc thành lập công ty liên doanh sử dụng khí làm nhiên liệu động cơ... được triển khai như dự kiến, thì có thể kỳ vọng, hợp tác đầu tư song phương Việt - Nga sẽ được đẩy mạnh hơn nữa.

Chuyên đề