Hội nhập sẽ là động lực phát triển công nghiệp hỗ trợ

(BĐT) - Để hưởng thuế suất ưu đãi khi xuất khẩu sang các nước theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã, đang và sẽ ký kết, các doanh nghiệp buộc phải chú trọng sử dụng nguyên liệu trong nước và trong các nước cùng tham gia FTA.
Việt Nam đang nhập khẩu phần lớn các nguyên phụ liệu đầu vào cho sản xuất    Ảnh: Lê Tiên
Việt Nam đang nhập khẩu phần lớn các nguyên phụ liệu đầu vào cho sản xuất Ảnh: Lê Tiên

Để hưởng thuế suất ưu đãi khi xuất khẩu sang các nước theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã, đang và sẽ ký kết, các doanh nghiệp buộc phải chú trọng sử dụng nguyên liệu trong nước và trong các nước cùng tham gia FTA. Đây được coi là một động lực thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam đang nhập khẩu phần lớn các nguyên phụ liệu đầu vào cho sản xuất để xuất khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Pakistan…, trong đó phần lớn nhập khẩu từ Trung Quốc do vị trí địa lý thuận lợi, lượng hàng hóa của Trung Quốc dồi dào, đa dạng và cạnh tranh về giá cả.

Các yếu tố như lao động giá rẻ, dân số trẻ, khỏe không còn là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam nữa, vì vậy mức ưu đãi lý tưởng về thuế quan là một trong những điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩuBà Bùi Kim Thùy 

Xét trong tổng thể của nền kinh tế thì việc nhập khẩu các mặt hàng từ Trung Quốc là cần thiết để phục vụ sản xuất, sau đó lại xuất sang các thị trường lớn khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU… Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, trong dài hạn cần nghiên cứu các biện pháp để phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển sản xuất trong nước để giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài.

Trong một hội thảo mới đây, bà Bùi Kim Thùy thuộc Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Cô­ng Thương đã nhận định, động lực chính để hình thành FTA giữa các nước chính là mức thuế quan lý tưởng dành cho nhau, cắt giảm về 0% theo lộ trình. Hiện nay, các yếu tố như lao động giá rẻ, dân số trẻ, khỏe không còn là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam nữa, vì vậy mức ưu đãi lý tưởng về thuế quan là một trong những điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu.

Đại diện một doanh nghiệp dệt may của Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, để đón đầu các FTA, doanh nghiệp này cũng đang tích cực tìm kiếm đối tác trong nước cung cấp sản phẩm “bắt nguồn từ tơ, sợi, dệt” để có thể được hưởng ưu đãi về thuế suất trong xuất khẩu.

Bên cạnh đó, theo Bộ Công Thương, việc tham gia các FTA, ngoài những lợi ích xuất khẩu quan trọng cũng sẽ tạo điều kiện nâng cao hiệu quả nhập khẩu, đa dạng hóa nguồn cung, nhất là các nhóm hàng nguyên, phụ liệu phục vụ các ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực như của Việt Nam dệt may, giày dép, điện tử…, đồng thời thu hút đầu tư vào các ngành sản xuất trong nước, phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Bộ Công Thương đang khuyến khích các doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, tăng cường tìm kiếm bạn hàng, đối tác nhập khẩu từ các thị trường có cùng phân khúc sản phẩm nhằm giảm dần sự lệ thuộc vào một thị trường chủ yếu.

Tuy nhiên, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh tới việc nghiên cứu, đề xuất chính sách phát triển, thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ để nâng cao hiệu quả đầu tư, kinh doanh, xuất khẩu, nâng cao chất lượng nhập khẩu, ưu tiên nhập khẩu máy móc, thiết bị tiên tiến từ các thị trường công nghệ “nguồn”…

Để đón đầu các FTA, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 3/11/2015 về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, Chính phủ tài trợ cho các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu và phát triển sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; xem xét hỗ trợ một phần kinh phí nghiên cứu và phát triển từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đối với trường hợp tự đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ có kết quả ứng dụng mang lại hiệu quả cao; Nhà nước hỗ trợ tối đa đến 50% kinh phí đối với Dự án sản xuất thử nghiệm các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ…

Một điểm đáng chú ý trong Nghị định là không còn nội dung về quỹ đầu tư cho công nghiệp hỗ trợ như dự thảo. Ủng hộ quan điểm này, ông Mai Thanh Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, duy trì và vận hành quỹ đầu tư cho sản xuất công nghiệp hỗ trợ tuy có những tác dụng nhất định, nhưng không cần thiết và quan trọng bằng các giải pháp tháo gỡ về cơ chế, chính sách, hỗ trợ thuế, đất đai...              

Chuyên đề