Hiệu quả hội nhập còn thấp

(BĐT) - Vào ngày 4/2 tới đây, tại Auckland (Canada), 12 nước thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) (Canada, Hoa Kỳ, Australia, Brunei, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam) sẽ ký vào thỏa thuận cuối cùng làm cơ sở để Quốc hội từng nước thông qua việc gia nhập TPP.
Khi TPP có hiệu lực, khối nước này sẽ chiếm khoảng 60% hàng may mặc xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên
Khi TPP có hiệu lực, khối nước này sẽ chiếm khoảng 60% hàng may mặc xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên

Việt Nam đã sẵn sàng tham gia TPP

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Việt Nam là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất nhờ Hiệp định bao phủ tới 40% kinh tế toàn cầu khi có tới 18.000 chủng loại hàng hóa xuất - nhập khẩu nội khối được giảm tối đa hoặc xóa bỏ thuế quan. Chính vì vậy, không chỉ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã và đang ráo riết chuẩn bị để sẵn sàng tham gia sân chơi lớn này, mà Ban chấp hành Trung ương Đảng cũng đã dành nhiều thời gian để thảo luận về TPP.

Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 14, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Hội nghị đã tập trung thảo luận, thống nhất cao về chủ trương ký kết, phê duyệt TPP. Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trung ương khẳng định, cơ hội mà TPP đem lại cho nước ta là rất lớn, nhưng thách thức, khó khăn cũng không nhỏ. “Tuy nhiên, các thách thức này đã được nhận diện và với kinh nghiệm của 30 năm đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế, với sự nỗ lực, sáng tạo và quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta tự tin về khả năng vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội do TPP mang lại để phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định và cho biết, Ban Chấp hành Trung ương giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo Đoàn đàm phán tiếp tục cùng các bên tham gia TPP hoàn tất các thủ tục và chính thức ký kết Hiệp định vào đầu tháng 2/2016.

Đến nay, Việt Nam đã là thành viên của tất cả các tổ chức quốc tế lớn; đã tham gia, ký kết, và đàm phán tổng cộng 15 hiệp định thương mại tự do (FTA). So với các nước trong khu vực, xét về số lượng FTA, Việt Nam đứng thứ 5 (sau Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia), nhưng lại tham gia nhiều FTA quan trọng để trở thành đối tác chiến lược với Nhật Bản, EU và đặc biệt là sẽ trở thành thành viên của TPP trong thời gian tới. Để tiếp tục chủ động trong hội nhập quốc tế, mới đây Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phê duyệt Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn 2030 để từng bước mở cửa, gắn nền kinh tế và thị trường trong nước với nền kinh tế và thị trường khu vực, thế giới. 

Nhưng hiệu quả hội nhập còn thấp

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là hiệu quả hội nhập còn thấp; ký kết nhiều cam kết quốc tế nhưng quá trình đổi mới ở trong nước, nhất là đổi mới và hoàn thiện thể chế kinh tế, quá trình chuẩn bị của các tổ chức và cá nhân, doanh nghiệp trong nước không theo kịp với lộ trình và mức độ cam kết quốc tế; chưa tận dụng triệt để và có hiệu quả các luật lệ, chuẩn mực quốc tế để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và cá nhân trong quá trình hội nhập. Việt Nam cũng chưa xây dựng được các chiến lược đối phó với rủi ro và các cú sốc khi hội nhập sâu hơn; chưa thực hiện hiệu quả chính sách thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp nhằm tận dụng cơ hội và đối phó với thách thức do quá trình hội nhập mang lại.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho rằng, TPP mở ra cơ hội cho các sản phẩm dệt may xuất khẩu vào thị trường nhiều nước trong khối. Tuy nhiên, để được hưởng những ưu đãi về thuế quan đòi hỏi sản phẩm của các thành viên TPP phải sử dụng nguồn nguyên, phụ liệu trong nước, hoặc nhập khẩu từ các nước trong khối. “Ngành may mặc của chúng ta chủ yếu là gia công, nguyên phụ liệu phải nhập khẩu từ các nước ngoài khối TPP, trong đó phần lớn từ Trung Quốc. Cho nên chúng ta vẫn bị lệ thuộc và cơ hội giảm thuế có thể trở nên vô nghĩa”, ông Nguyễn Ngọc Hòa lo ngại.

Đánh giá về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhận định, đây là thách thức, nhưng đồng thời là cơ hội để nâng tỷ lệ giá trị sản phẩm sản xuất tại Việt Nam lên, tức là phải tăng cường công nghiệp hỗ trợ. “Nếu chúng ta cứ nhập khẩu mãi thì chắc chắn ngành dệt may của Việt Nam vẫn tiếp tục ở tình trạng gia công và lấy công làm lãi”, ông Vũ Huy Hoàng thừa nhận và cho biết, cho đến khi TPP có hiệu lực (dự kiến vào giữa năm 2018), tỷ trọng hàng dệt may xuất khẩu vào 11 nước khác trong TPP có xuất xứ vải từ Việt Nam sẽ chiếm khoảng 60%.

TPP có hiệu lực, sức ép về cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn, vì vậy, theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thì Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp phải có những giải pháp hiệu quả hơn để ứng phó. “Nhưng chúng ta cũng phải chấp nhận có thể có những sản phẩm và ngành hàng không có khả năng cạnh tranh, cạnh tranh yếu hơn. Để giảm thiệt hại, cần phải có những giải pháp để ứng phó và hỗ trợ cho những ngành hàng có khả năng cạnh tranh thấp”, ông Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.

Chuyên đề