Hai mặt của cơ chế đặc thù

(BĐT) - Chủ trương xây dựng các cơ chế đặc thù để phát triển các đầu tàu kinh tế, các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất là vấn đề đang được nhiều địa phương, đơn vị quan tâm. Tiếng nói của những người trong cuộc cho thấy, cơ chế đặc thù là cần thiết để thúc đẩy phát triển, song cũng còn nhiều điểm cần lưu ý.
Việc áp dụng cơ chế đặc thù sẽ cởi trói các nút thắt để các địa phương có cơ hội bứt phá mạnh mẽ
Việc áp dụng cơ chế đặc thù sẽ cởi trói các nút thắt để các địa phương có cơ hội bứt phá mạnh mẽ
Hai mặt của cơ chế đặc thù ảnh 1
Một cơ chế không thể áp dụng chung cho tất cả 63 tỉnh, thành

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM           

Một cơ chế không thể áp dụng chung cho tất cả 63 tỉnh, thành trong cả nước được, do nhu cầu và trình độ phát triển không đồng đều của các địa phương. Việc áp dụng cơ chế đặc thù sẽ cởi trói các nút thắt để các địa phương đó có cơ hội bứt phá mạnh mẽ.

Có một hiện tượng đáng lưu ý là hình như cơ chế tập trung quyền lực về các bộ, ngành trung ương trong khoảng 10 năm trở lại đây gia tăng mạnh hơn, không phù hợp với quan điểm phân cấp và ủy quyền nhiều hơn cho các địa phương trước đây. Một đô thị rất lớn như TP.HCM mà cái gì cũng phải "xin" Thủ tướng thì tại sao chúng ta không xây dựng một "cơ chế khung" đối với các đô thị đặc biệt này. Tôi nghĩ nếu có "cơ chế khung" để phân cấp, ủy quyền và giao trách nhiệm thì chắc chắn công việc sẽ được thúc đẩy nhanh hơn, hiệu quả sẽ cao hơn.

Trong cơ chế đặc thù, có một vấn đề lớn mà Chính phủ luôn băn khoăn đó là việc phải kiểm soát nguồn vốn, tài chính chi từ ngân sách. Tuy nhiên, vấn đề này Chính phủ cũng đã phân cấp việc “gác cổng” cho Bộ Tài chính rồi nên không quá lo ngại, nhất là những khoản vốn vay của nước ngoài muốn được bảo lãnh đều phải thông qua Bộ Tài chính, nên sẽ kiểm soát được rủi ro. Do vậy, việc phân cấp và ủy quyền cho các đô thị đặc biệt, các tỉnh công nghiệp hóa cao trong việc lựa chọn nhà đầu tư, nhất là theo hình thức PPP, đòi hỏi phải thông thoáng hơn.

Song cái gì cũng có tính chất hai mặt của nó. Một cách nào đó có thể hiểu, hiện nay việc áp dụng cơ chế đặc thù, đặc biệt là Điều 26 của Luật Đấu thầu có thể dẫn đến các nhà đầu tư “chạy” dự án. Cần có cơ chế loại trừ biểu hiện của chủ nghĩa tư bản "thân hữu", mặc dù trong cơ chế thị trường rất khó tránh khỏi chuyện đó, nhưng làm thế nào để hạn chế tối đa việc "lobby" là hết sức cần thiết. Có như vậy, việc áp dụng cơ chế đặc thù mới được công khai, minh bạch, sẽ vừa tốt cho cả chính quyền lẫn doanh nghiệp và mang lại nhiều lợi ích cho xã hội.

Hai mặt của cơ chế đặc thù ảnh 2
Xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng tại các khu kinh tế

Ông Phạm Hải Hưng, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV U-MAC Việt Nam

Chúng tôi là một doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, đến nay đã có 10 năm hoạt động tại Việt Nam. Mang trong mình sứ mệnh cung cấp máy móc, thiết bị tiên tiến với chữ tín được đặt lên hàng đầu, thời gian qua, U-MAC đã tạo được niềm tin với các chủ đầu tư/bên mời thầu của Việt Nam. Điều này khẳng định thông qua việc, U- MAC liên tục thắng thầu cung cấp máy móc, thiết bị cho các dự án đầu tư lớn của Việt Nam, trong đó có nhiều dự án tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế. Đến nay, U-MAC là nhà thầu cung cấp thiết bị chính cho nhiều dự án như: Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn thuộc Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa); Tổ hợp Nhà máy LG Hải Phòng - Khu công nghiệp Tràng Duệ thuộc Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng); Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương; Nhà máy Samsung (Thái Nguyên)…

Để có được thành công này, chúng tôi đã nhận được hỗ trợ, hợp tác cũng như sự tin tưởng đặc biệt của các chủ đầu tư/bên mời thầu của Việt Nam với những hàng hóa của chúng tôi cung cấp. Đặc biệt, trong quá trình vừa cạnh tranh và phát triển với các doanh nghiệp cùng lĩnh vực, U-MAC luôn có chiến lược kinh doanh chuyên biệt, đặt tiêu chí chữ tín lên hàng đầu, cung cấp cho khách hàng hệ thống quản lý an toàn, hiệu quả với mong muốn góp phần chung tay vào sự phát triển của Việt Nam.

Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, doanh nghiệp cũng gặp phải không ít khó khăn. Đơn cử như, quá trình lựa chọn nhà thầu cung cấp thiết bị cho các dự án tại khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế ở đâu đó vẫn chưa thực sự minh bạch. Nhà thầu thắng thầu có thể không chỉ vì năng lực mà còn vì “quan hệ”. Tại một số khu công nghiệp, khu kinh tế và khu chế xuất còn xuất hiện một lực lượng “xã hội đen” chuyên “vòi tiền” các doanh nghiệp khi cung cấp máy móc, thiết bị cho các nhà máy trong các khu này. Hy vọng rằng, trong quá trình Việt Nam đang xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng thì những khó khăn đó sớm được cơ quan chức năng loại bỏ.

Hai mặt của cơ chế đặc thù ảnh 3
Cần nhà đầu tư quốc tế cho ”đầu tàu” kinh tế TP.HCM

Ông Võ Văn Bé,  Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Thuận Việt          

Thuận Việt gắn bó với TP.HCM với hai tư cách: nhà thầu và nhà đầu tư. Với tư cách là nhà thầu, hiện Thuận Việt đang thi công Dự án Bệnh viện Ung bướu TP.HCM giai đoạn 2. Đến ngày 10/6 tới đây chúng tôi sẽ tiến hành cất nóc, kết thúc phần kết cấu. Đến nay, chúng tôi có thể cam kết, Thuận Việt luôn đảm bảo tiến độ, chất lượng đề ra đối với dự án này. Chúng  tôi mong muốn, với năng lực và uy tín của một nhà thầu xây lắp chuyên nghiệp, sẽ góp phần tạo dựng một công trình có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm tải cho bệnh viện tuyến cuối chuyên về ung bướu tại TP.HCM.

Còn với vai trò là nhà đầu tư, Thuận Việt đang triển khai hai dự án PPP là Trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng và Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình. Hai dự án này đều có quy mô hơn ngàn tỷ đồng. Cả hai dự án đều được Thành phố kêu gọi đầu tư, và Thuận Việt đã tham gia với một niềm tin mãnh liệt vào sự phát triển thịnh vượng của Thành phố cũng như khung pháp lý đã được nâng hơn trước rất nhiều. Theo tôi nghĩ, trong bối cảnh hiện nay, TP.HCM và nhiều địa phương sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài PPP để giải bài toán áp lực chi đầu tư công. Nhu cầu vốn cho hạ tầng, cho giáo dục, y tế, văn hóa, cấp thoát nước… đều rất lớn và không thể dựa vào nguồn ngân sách nhà nước. Do đó, nhà đầu tư tư nhân cần tích cực nhập cuộc với Thành phố để giúp Thành phố thoát khỏi sự tắc nghẽn, trì trệ bởi hạ tầng xuống cấp. Không chỉ nhà đầu tư tư nhân, Thành phố cũng cần thu hút cộng đồng nhà đầu tư quốc tế để TP.HCM thực sự trở thành đầu tàu của nền kinh tế - vốn dĩ đã trở thành thương hiệu bao nhiêu năm nay mà mỗi người dân Thành phố đều tự hào.

Chuyên đề