Hạ tầng giao thông và hấp lực PPP

(BĐT) - Thời gian qua, hạ tầng giao thông được đánh giá là lĩnh vực điển hình cho thu hút và “hấp thụ” được nhiều nguồn lực từ đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). 
Trong giai đoạn 2016 - 2020, nhu cầu vốn cho các dự án đầu tư phát triển hạ tầng giao thông là khoảng 1 triệu tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên
Trong giai đoạn 2016 - 2020, nhu cầu vốn cho các dự án đầu tư phát triển hạ tầng giao thông là khoảng 1 triệu tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Phóng viên Báo Đấu thầu phỏng vấn ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về tiềm lực và chiến lược hút vốn PPP vào hạ tầng giao thông trong thời gian tới.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT quản lý đã tích cực triển khai các dự án đầu tư theo hình thức PPP với các dạng thức hợp đồng khác nhau như BOT, BT... Bộ GTVT đánh giá như thế nào về tiềm năng thực hiện các dự án PPP thuộc lĩnh vực GTVT?

Hạ tầng giao thông và hấp lực PPP ảnh 1
Ông Nguyễn Nhật
Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Trong giai đoạn này, nhu cầu xây dựng mới và bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng đang ở mức cao. Trong vài thập kỷ tới, nhu cầu xây dựng, vận hành, bảo trì các công trình kết cấu hạ tầng có quy mô lớn như đầu tư xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc, hệ thống giao thông đô thị tại các đô thị lớn, hệ thống đường sắt quốc gia, các cảng biển, cảng hàng không, các trung tâm logistics tại Việt Nam sẽ “bùng nổ”. Đây là một thị trường khổng lồ cho các dự án PPP và là cơ hội cho cả doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Theo tính toán, trong giai đoạn 2016 - 2020, nhu cầu vốn cho các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) do Bộ GTVT trực tiếp quản lý là khoảng 1 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu về vốn luôn vượt quá khả năng đáp ứng của ngân sách thì một trong những giải pháp tất yếu là phải xã hội hóa đầu tư KCHTGT.

Đến nay, hành lang pháp lý và cơ chế chính sách về PPP đã được Chính phủ chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện phù hợp với điều kiện thực tiễn, thông lệ quốc tế, đảm bảo tính công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - Nhà đầu tư - Người sử dụng. Bên cạnh đó, việc Việt Nam trở thành thành viên của nhiều tổ chức quốc tế (WTO, ASEAN...), đã và sẽ tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, ký kết hiệp định tránh đánh thuế 2 lần với nhiều quốc gia; có quy mô dân số lớn, nền kinh tế tăng trưởng ổn định, nguồn nhân lực dồi dào là những điều kiện thuận lợi, hấp dẫn nhà đầu tư.

Thực tế, Bộ GTVT đã triển khai rất nhiều dự án thu hút đầu tư tư nhân. Rất nhiều nhà đầu tư quốc tế đã tham gia sơ tuyển hoặc bày tỏ quan tâm đầu tư vào lĩnh vực KCHTGT Việt Nam như: Liên danh First Pacific Co. Ltd. và Metro Pacific Investments Corporation (Hồng Kông), Hyundai Engineering & Construction Co. Ltd. (Hàn Quốc), IL&FS Transportation Networks Ltd. (Ấn Độ), Oriental Structure Engineering PVT Ltd. (Ấn Độ), Plus expressway International Berhad (Malay-sia), Vinci Concession (Pháp), Tập đoàn Kumho (Hàn Quốc), Tổng công ty Đường cao tốc Hàn Quốc KEC, Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc), ADP (Pháp), NEXCO (Nhật Bản)...

Có thể khẳng định, đầu tư phát triển KCHTGT ở Việt Nam theo hình thức PPP là thị trường tiềm năng và rất có triển vọng để huy động vốn đầu tư từ các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng trong nước và nước ngoài.

Bộ GTVT có kỳ vọng, giải pháp gì để thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư theo hình thức PPP?

Nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng, Bộ GTVT đã xác định và đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực tư nhân để đầu tư phát triển KCHTGT. Đây là xu thế tất yếu trong điều kiện ngân sách nhà nước hạn hẹp như hiện nay. Quan điểm của Bộ GTVT là trải thảm đỏ mời gọi các nhà đầu tư. Các cơ quan tham mưu của Bộ luôn quán triệt tinh thần phục vụ, trợ giúp và hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư tham gia đầu tư KCHTGT, để họ được làm tất cả những gì luật pháp không cấm.

Bộ GTVT luôn công khai, minh bạch thông tin về các dự án cần kêu gọi đầu tư và chuẩn bị kỹ lưỡng thông tin về dự án; tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận, nắm bắt dự án, để có thể đi đến quyết định tham gia đầu tư một cách chính xác, đồng thời là cơ sở quan trọng giúp nhà đầu tư tiếp cận vay vốn ngân hàng. Bộ GTVT đã chủ trì tổ chức hoặc phối hợp tổ chức nhiều hội thảo xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước; hội thảo về giải pháp thúc đẩy thu hút vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông để qua đó tự hoàn thiện cơ chế thực hiện và kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện...

Bộ GTVT có những đề xuất, kiến nghị gì nhằm đẩy mạnh áp dụng PPP trong thời gian tới?

Để phát triển KCHTGT đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, Bộ GTVT có các kiến nghị sau:

Về thể chế chính sách, đây được xem là chìa khóa để đẩy mạnh và thực hiện thành công việc huy động đầu tư tư nhân. Trong thời gian sớm tới đây, cần phải ban hành kịp thời các thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định... Lâu dài, cần tổng kết kinh nghiệm triển khai thực tiễn kết hợp kinh nghiệm quốc tế để xây dựng và ban hành Luật về đầu tư theo hình thức PPP. Cho đến nay, văn bản pháp lý cao nhất của hình thức đầu tư này mới dừng ở mức Nghị định, trong khi đó có những vấn đề chịu sự điều chỉnh của nhiều Luật mà thực tế khi thực hiện khó triển khai (như quản lý phần vốn ngân sách góp trong các dự án đầu tư theo hình thức PPP...).

Về nguồn vốn, thời gian tới, hầu hết là các dự án có tổng mức đầu tư cao hoặc khả năng tự hoàn vốn với mức thấp do nguồn thu nhỏ nên rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước để đảm bảo tính khả thi về tài chính dự án. Đối với nguồn vốn góp của Nhà nước để hỗ trợ, Bộ GTVT đã và sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội cho phép phát hành gói trái phiếu chính phủ chỉ sử dụng cho phần vốn góp của Nhà nước trong các dự án đầu tư theo hình thức PPP; có chính sách ưu tiên sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ làm phần vốn góp của Nhà nước.

Đối với nguồn vốn vay, Bộ GTVT sẽ tiếp tục làm việc với Ngân hàng Nhà nước để hình thành gói tín dụng cho đầu tư kết cấu hạ tầng; nới lỏng giới hạn tín dụng và kéo dài thời hạn tín dụng đối với các dự án PPP…

Về nguồn nhân lực và công tác quản lý, xác định đây là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến việc đẩy mạnh xã hội hoá đầu tư nên Bộ GTVT luôn quán triệt quan điểm trải thảm đỏ mời gọi nhà đầu tư. Để làm được điều đó, Bộ thực hiện phân công rõ ràng trách nhiệm của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị và cá nhân chịu trách nhiệm về công tác xã hội hóa đầu tư...

Các dự án cao tốc và quốc lộ dự kiến kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP giai đoạn 2016 – 2020

1. Cao tốc Nội Bài - Bắc Ninh

2. Cao tốc Biên Hòa - Phú Mỹ - Cái Mép

3. Cao tốc Dầu Giây - Tân Phú

4. Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết

5. Cao tốc Ninh Bình - Nghi Sơn (Thanh Hóa)

6. Cao tốc Tân Vạn - Nhơn Trạch

7. Hoàn thiện đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên

8. Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ

9. Đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa

10. Cầu Châu Đốc

11. Dự án 06 cầu trên Quốc lộ 80 (Đồng Tháp)

12. Dự án Quốc lộ 62 đoạn Km3+900 - Km42+400 (Long An)

13. Quốc lộ 6 và Quốc lộ 12B (Hòa Bình)

14. Dự án mở rộng hầm Đèo Ngang (bổ sung vào dự án hầm Đèo Cả)

15. Dự án mở rộng hầm Hải Vân

16. Dự án tuyến nối ngã 5 cầu Cần Thơ - Cảng Cái Cui

17. Quốc lộ 60 đoạn từ cầu Rạch Miễu - Cổ Chiên

18. Quốc lộ 9 đoạn Cửa Việt - Cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị)

19. Dự án 2 nút giao Tân Tạo - Chợ Đệm với TL10 và đường  Trần Đại Nghĩa

20. Quốc lộ 37 nối 2 cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn và Hà Nội - Thái Nguyên

21. Quốc lộ 14B đoạn Túy Loan - Cầu Hà Nha

22. Quốc lộ 17 đoạn qua Bắc Ninh

23. Quốc lộ 53 đoạn Trà Vinh - Long Toàn

24. Cầu Ninh Cường (Nam Định)

25. Quốc lộ 45 (Thanh Hóa)

26. Quốc lộ 47 (Thanh Hóa)

27. Cầu Đại Ngãi

Nguồn: Bộ GTVT

Chuyên đề