Hà Nội đề xuất loạt dự án PPP theo cơ chế đặc thù

(BĐT) - 5 dự án cầu qua sông Hồng và khép kín đường vành đai đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc áp dụng cơ chế đặc thù trong lựa chọn nhà đầu tư.
UBND TP. Hà Nội đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép chủ động quyết định phương án chọn nhà đầu tư thực hiện 12 dự án PPP. Ảnh: Tiên Giang
UBND TP. Hà Nội đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép chủ động quyết định phương án chọn nhà đầu tư thực hiện 12 dự án PPP. Ảnh: Tiên Giang

TP. Hà Nội mới đây có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đề xuất một số dự án kết cấu hạ tầng giải quyết ùn tắc giao thông, dự án môi trường, dân sinh triển khai theo hình tức đối tác công tư (PPP) được áp dụng cơ chế đặc thù. 

Thêm 12 dự án cần cơ chế đặc thù

Qua rà soát, UBND TP. Hà Nội cho biết, trền địa bàn còn một số dự án kết cấu hạ tầng quan trọng giải quyết ùn tắc giao thông, dự án môi trường, dân sinh bức xúc cần khẩn trương triển khai đầu tư. Do đó, UBND TP. Hà Nội đề xuất bổ sung thêm một số dự án được áp dụng cơ chế đặc thù.

Theo đó, Thành phố đề xuất 8 dự án giao thông là: Đầu tư cầu, đường trên tuyến Vành đai 4 (cầu Mễ Sở, cầu Hồng Hà, đoạn từ cao tốc Hà Nội - Lào Cai đến Quốc lộ (QL) 32, đoạn từ Q L32 đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ); Cầu Đuống 2 và đường nối đến địa phận tỉnh Bắc Ninh; Cầu Giang Biên và đường nối hai đầu cầu; Cải tạo, nâng cấp QL6 từ Ba La đến Xuân Mai; Đường trục trung tâm huyện Đông Anh; Cứng hóa mặt đê Tả sông Hồng kết hợp đường giao thông từ huyện Mê Linh đến quận Long Biên; Nâng cấp, mở rộng QL21 đoạn Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai; Tuyến đường liên khu vực nối từ đường 23B - Vân Trì - QL3.

Cùng với đó, 4 dự án môi trường, dân sinh bức xúc được Hà Nội đề xuất được áp dụng cơ chế đặc thù. Cụ thể, một là Dự án Xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc (giai đoạn 1) để giải quyết tình trạng ô nhiễm nước và chống úng ngập cho các quận phía Tây Hà Nội, thực hiện theo hình thức BT. Hai là Dự án Hệ thống thu gom nước thải về Nhà máy Xử lý nước thải Yên Sở để thu gom, xử lý nước thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải tạo chất lượng hồ trong các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Xuân, thực hiện theo hình thức BT/BOO. Ba là Dự án Chuyển nước từ sông Tích sang sông Đáy qua hệ thống kênh tiêu Săn - Thụy Đức để khôi phục lại dòng sông Đáy, cung cấp nước tưới cho các huyện phía Tây Hà Nội, thực hiện theo hình thức BT. Bốn là Dự án Cải tạo, nâng cấp hệ thống trạm bơm tiêu Đông Mỹ, tiêu úng và cải thiện môi trường cho 1.995 ha khu vực huyện Thanh Trì, thực hiện theo hình thức BT.

Chịu trách nhiệm về kết quả lựa chọn nhà đầu tư

Tại Thông báo số 35/TB-VPCP ngày 25/1/2017 của Văn phòng Chính phủ về giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc áp dụng cơ chế đặc thù lựa chọn nhà đầu tư đối với 5 dự án cầu qua sông Hồng và khép kín đường vành đai gồm: Dự án cầu chui Trần Hưng Đạo; Dự án cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên; Chuyển đổi hình thức đầu tư Dự án cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2) theo hình thức hợp đồng BT; Dự án nút giao khác mức giữa đường Vành đai 3,5 với đại lộ Thăng Long; xây dựng khép kín đường vành đai 2,5 và 3,5. UBND TP. Hà Nội xây dựng phương án cụ thể đối với từng dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
TP. Hà Nội cho biết, theo quy định hiện hành, việc chuẩn bị dự án, lựa chọn nhà đầu tư và ký kết hợp đồng dự án PPP phải thực hiện nhiều trình tự thủ tục, thời gian thực hiện kéo dài, đặc biệt là thời gian thực hiện thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Đối với những dự án kết cấu hạ tầng quan trọng, Thành phố cho rằng, nếu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 sẽ mất nhiều thời gian, không đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu tiến độ. Hiện có nhiều nhà đầu tư trong nước đủ năng lực quan tâm và đề xuất cho phép triển khai thực hiện các dự án nêu trên theo hình thức PPP (hợp đồng BOT hoặc BT) và Thành phố cũng đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch sử dụng đất để đảm bảo đủ quỹ đất thanh toán cho các dự án đầu tư theo hình thức BT.

Do đó, UBND TP. Hà Nội đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép Thành phố chủ động quyết định phương án lựa chọn nhà đầu tư và chịu hoàn toàn trách nhiệm về kết quả lựa chọn theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu; đàm phán trực tiếp với nhà đầu tư được lựa chọn, sớm triển khai đầu tư và đưa công trình vào khai thác sử dụng.

Các tiêu chí mà Thành phố dùng để “chỉ định” nhà đầu tư thực hiện các nội dung của dự án là có năng lực về tài chính, có năng lực quản trị dự án, có kinh nghiệm trong việc xây dựng công trình giao thông hoặc đã thực hiện các dự án đầu tư nhóm A có hiệu quả. Nhà đầu tư cam kết ứng trước vốn để thực hiện giải phóng mặt bằng dự án (không tính lãi suất hoặc tính thấp) và triển khai ngay việc đầu tư dự án khi UBND Thành phố cam kết bố trí quỹ đất đối ứng. Nhà đầu tư cũng phải cam kết ứng trước kinh phí để lập hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi, khả thi và thuê tư vấn lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Có cam kết thời hạn thực hiện dự án cụ thể.

Chuyên đề