Giải pháp cho 3 dự án 3.000 tỷ chậm tiến độ tại Bình Thuận

(BĐT) - Mặc dù đã chậm tiến độ từ 8 tháng đến hơn hai năm rưỡi, nhưng đến nay, 3 dự án đầu tư với quy mô từ 450 tỷ đồng đến hơn 2.000 tỷ đồng tại Bình Thuận vẫn đang “giẫm chân tại chỗ”. Vì sao nên nỗi?
Dự án Đầu tư khu phức hợp lấn biển Phú Hài chưa hoàn chỉnh thủ tục môi trường và hồ sơ xin cấp phép xây dựng. Ảnh: Bùi Đức Thâu
Dự án Đầu tư khu phức hợp lấn biển Phú Hài chưa hoàn chỉnh thủ tục môi trường và hồ sơ xin cấp phép xây dựng. Ảnh: Bùi Đức Thâu

Chậm tiến độ từ 8 tháng đến hơn hai năm rưỡi

Trong 3 dự án chậm tiến độ này, quy mô lớn nhất là Dự án Đầu tư khu phức hợp lấn biển Phú Hài với vốn đầu tư 90 triệu USD (tương đương hơn 2.000 tỷ đồng), diện tích 442 ha. Chủ đầu tư Dự án là Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Regina. Theo Giấy chứng nhận đầu tư ngày 10/12/2008 của UBND tỉnh Bình Thuận, Dự án triển khai xây dựng năm 2010 và đưa vào hoạt động kinh doanh từ năm 2016. Mặc dù đã vượt quá thời hạn hơn hai năm rưỡi, nhưng Dự án vẫn chưa hoàn chỉnh thủ tục môi trường và hồ sơ xin cấp phép xây dựng, vi phạm Điểm g Khoản 1 Điều 48 của Luật Đầu tư năm 2014 và Điểm i Khoản 1 Điều 64 của Luật Đất đai năm 2013.

Dự án chậm tiến độ thứ hai là Dự án Nhà máy Xử lý rác TP. Phan Thiết công suất 400 tấn/ngày do Công ty TNHH Nhật Hoàng làm chủ đầu tư với vốn đầu tư là 495,54 tỷ đồng. Theo Giấy chứng nhận đầu tư ngày 26/5/2015 của UBND Tỉnh, Dự án phải triển khai đầu tư xây dựng từ tháng 11/2016 đến tháng 5/2017 và hoàn thành đưa vào hoạt động từ tháng 6/2017, tức là cách đây hơn 1 năm.

Sở dĩ có sự chậm trễ này, theo giải trình của UBND tỉnh Bình Thuận, là do chưa thỏa thuận được nguồn kinh phí trả cho chi phí xử lý rác, Công ty TNHH Nhật Hoàng gặp khó khăn trong làm việc với đối tác ngân hàng để huy động vốn cho Dự án, dẫn đến chậm trễ ký hợp đồng xử lý chất rắn đô thị giữa UBND TP. Phan Thiết và Công ty TNHH Nhật Hoàng. Mặc dù đến tháng 7/2018, hai bên đã ký Hợp đồng xử lý chất thải rắn đô thị số 01/2018/HDDV/UBNDPT-NH, nhưng vẫn chưa tính toán xong nguồn vốn chi trả cho việc xử lý rác. Ngoài ra, trong quá trình triển khai, Dự án còn vướng mắc trong giải phóng mặt bằng đoạn đường qua khu rừng dầu dài khoảng 400 m đi vào Dự án, và nhu cầu vận chuyển thiết bị, vật tư chuyên dụng cho Nhà máy (trọng tải khoảng 40 - 50 tấn) vượt quá tải trọng của cầu Suối Cát (tải trọng cầu 13 tấn).

Tương tự, Dự án Nhà máy Sản xuất vật liệu xây dựng không nung từ nguồn nguyên liệu tro, xỉ than của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân cũng nằm trong tình trạng chậm tiến độ. Dự án do Công ty CP Đầu tư Mãi Xanh làm chủ đầu tư với vốn đầu tư là 450,86 tỷ đồng và tổng diện tích đất sử dụng là 25,5 ha. Dự án dự kiến xử lý khối lượng tro, xỉ than khoảng 3.500 - 4.500 tấn/ngày, tương đương 1,277 - 1,642 triệu tấn/năm, công suất 1,095 tỷ viên vật liệu xây không nung/năm.

Theo Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư số 294/QĐ-UBND ngày 25/1/2017 của UBND Tỉnh, thời hạn đưa Nhà máy vào hoạt động là tháng 12/2017, tức là cách đây 8 tháng. Tuy nhiên, đến nay, Dự án mới chỉ hoàn thành 1 trong 7 nhà xưởng sản xuất và phần móng của nhà xưởng thứ 2; hoàn thành trạm biến áp 3.000 KVA; xây dựng 1 hồ chứa nước 10.000 m3; 2 bồn chứa hóa chất khoảng 1.000 m3... Chỉ rõ nguyên nhân của sự chậm trễ này, UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, đó là do Chủ đầu tư chưa tập trung, tích cực trong việc triển khai Dự án, và chưa có hướng dẫn cụ thể của cơ quan chức năng về các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật và định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến sử dụng tro, xỉ làm vật liệu san nền và đường giao thông. 

Giải pháp xử lý

Trước những khó khăn, vướng mắc của Dự án Đầu tư khu phức hợp lấn biển Phú Hài, UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, Tỉnh đang vận động Chủ đầu tư trả lại Dự án. Trường hợp Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Regina có nhu cầu tiếp tục đầu tư dự án du lịch trên địa bàn Tỉnh thì Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn và cung cấp đầy đủ thông tin liên quan để Công ty nghiên cứu, tìm vị trí phù hợp khảo sát, lập thủ tục đầu tư.

Để Dự án Nhà máy Xử lý rác TP. Phan Thiết có thể hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối tháng 12/2018, UBND Tỉnh yêu cầu Sở Giao thông vận tải chỉ đạo đơn vị thi công khẩn trương thi công di dời số lượng cây dầu trên phần đoạn đường vào Nhà máy, đến cuối tháng 8/2018 phải hoàn thành giải phóng mặt bằng để có cơ sở triển khai thi công đoạn đường nêu trên. Tiếp đó, Sở Giao thông vận tải được giao lập đề xuất chủ trương xây mới cầu Suối Cát tại Km0+950 để đảm bảo quy mô tải trọng đồng bộ với tuyến đường.

Còn đối với Dự án Nhà máy Sản xuất vật liệu xây dựng không nung, UBND Tỉnh chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương theo dõi tiến độ đầu tư Dự án. Đối chiếu với quy định của Luật Đầu tư năm 2014 và các luật khác có liên quan, nếu phát hiện Chủ đầu tư có vi phạm thì Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm xem xét, tham mưu cho UBND Tỉnh thu hồi Quyết định chủ trương đầu tư Dự án.

Chuyên đề