Giá vật liệu xây dựng tăng: Nguy cơ tắc hàng loạt dự án

(BĐT) - Thời gian qua, giá nguyên vật liệu xây dựng (cát, thép…) biến động tăng đã và đang khiến không ít nhà thầu điêu đứng trong việc thực hiện các hợp đồng trọn gói đã ký kết.
Giá cát tăng cao khiến nhà thầu bị thiệt hại về kinh tế và khó đảm bảo tiến độ thi công công trình. Ảnh: Công Thu
Giá cát tăng cao khiến nhà thầu bị thiệt hại về kinh tế và khó đảm bảo tiến độ thi công công trình. Ảnh: Công Thu

“Cắn răng” chịu rủi ro

Nhận công trình trước thời điểm giá vật liệu xây dựng (cát xây dựng) tăng đột biến, nhiều nhà thầu xây dựng, giao thông cho biết họ đang “điêu đứng” trong việc thực hiện các hợp đồng, nhất là các hợp đồng trọn gói, thậm chí có nhà thầu thông tin họ phải dừng triển khai công trình để chờ đợi giá vật liệu bớt “nóng”.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Lê Đức Thọ, Giám đốc Ban Kinh doanh thuộc Tập đoàn Cienco4 cho biết, thời gian qua, giá vật liệu xây dựng tăng cao ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. “Khi đấu thầu, giá dự thầu của nhà thầu bỏ thầu theo giá điều tra thị trường, còn khi trúng thầu nhà thầu phải thực hiện hợp đồng ký kết. Do đó, việc giá cát xây dựng bất ngờ tăng cao vừa qua, trong khi đó báo giá vật liệu xây dựng của nhiều địa phương lại không cập nhật kịp hoặc cập nhật song mức giá biến động tăng quá lớn khiến nhiều nhà thầu rất vất vả để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong “cơn lốc” biến động giá này, theo ông Thọ, nhiều dự án của Cienco4 như: Dự án Cao tốc Bến Lức - Long Thành, Dự án Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, các tuyến metro... đã bị ảnh hưởng lớn, giá cát tăng bao nhiêu nhà thầu lỗ bấy nhiêu.

“Không chỉ thiệt hại về kinh tế, giá cát tăng còn khiến nhà thầu bị ảnh hưởng lớn về tiến độ thi công công trình, giá tăng nhưng không phải có tiền là có cát. Nhà thầu cũng rất khó có thể chủ động được nguồn cát, vì vậy tiến độ một số công trình cũng bị tác động”, ông Thọ lo lắng.

Chung cảnh ngộ với Cienco4, ông Hoàng Hải Việt, Tổng giám đốc Công ty CP Sông Đà 25 tâm tư, giá cả vật liệu xây dựng tăng đang ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của nhà thầu. Theo ông Việt, hiện Sông Đà 25 đang thực hiện hai hợp đồng xây dựng theo hình thức hợp đồng trọn gói có giá trị lên tới hàng trăm tỷ đồng với khu vực tư nhân. Khi giá cát xây dựng tăng buộc nhà thầu phải “cắn răng” cam chịu lỗ để hoàn thành hợp đồng đã ký. Riêng mặt hàng cát xây dựng có nơi tăng giá gấp 3 - 4 lần trong vòng mấy tháng qua. Đề cập về khoản lỗ nhà thầu phải chịu khi giá cát tăng cao, ông Việt cho rằng, dù doanh nghiệp chưa tính toán cụ thể nhưng chắc chắn mức thiệt hại không phải là khoản tiền nhỏ.

Phản ánh của một số nhà thầu tới Báo Đấu thầu cho hay, tại khu vực phía Nam, một số nhà thầu không chịu được sức tăng cao của giá cát đã buộc phải ngừng thi công công trình. Bên cạnh việc giá cát xây dựng biến động, theo phản ánh của nhiều nhà thầu, thời gian gần đây giá cả một số mặt hàng vật liệu xây dựng khác như sắt, thép… cũng đang trên đà tăng, nguy cơ ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ của hàng loạt dự án, trong đó có nhiều dự án trọng điểm. 

Lời giải nào để giảm thiểu rủi ro?

Chia sẻ với những khó khăn của nhà thầu trong bối cảnh giá cả vật liệu xây dựng tăng, ông Nguyễn Xuân Đào, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng: Để giảm thiểu các tác động không mong muốn do biến động giá vật liệu tăng có thể ảnh hưởng đến tiến độ các công trình, các chuyên gia xây dựng, cơ quan có thẩm quyền cần phải “nghe ngóng” cũng như tính toán xem xét việc giá cát xây dựng tăng có tác động như thế nào đến hoạt động xây dựng của các nhà thầu. Trường hợp giá cát tăng cao, giá trị của phần tăng thêm là bao nhiêu, tác động lớn đến các nhà thầu ra sao... Tất cả những vấn đề này cần được cơ quan có thẩm quyền đánh giá đầy đủ, từ đó đề xuất phương án xử lý hiệu quả, tránh nguy cơ hoạt động xây dựng cơ bản bị đình trệ, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Cũng theo ông Đào, khi chọn ký kết loại hợp đồng trọn gói, nhà thầu phải tính toán thật chính xác về khối lượng công việc, vật tư, đơn giá… để đảm bảo hiệu quả kinh tế. Chỉ trong trong trường hợp giá nguyên vật liệu xây dựng trên thị trường biến động lớn quá, thì Chính phủ mới can thiệp.

Nhằm giúp nhà thầu lường trước biến động giá cả, giảm thiểu rủi ro, ông Đào cho rằng, nhà thầu phải có được giải pháp tránh rủi ro do biến động giá. Đồng quan điểm với ông Đào, một chuyên gia của Viện Kinh tế xây dựng gợi mở, để giảm rủi ro biến động giá trong những gói thầu thực hiện theo loại hợp đồng trọn gói, nhà thầu phải dự báo được mặt bằng giá vật liệu xây dựng (đầu vào) để xây dựng cho mình những kịch bản phù hợp. Đồng thời, nhà thầu phải tìm ra những biện pháp thi công giảm thiểu chi phí với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào thi công, nâng cao trình độ đội ngũ nhân lực… Trong khi đó, dưới một góc độ khác, ông Thọ cho rằng, để tiết kiệm suất đầu tư cũng như chủ động đảm bảo tiến độ các dự án thì cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương có dự án cần xem xét cấp quyền khai thác tài nguyên mỏ (cát, đá…) cho doanh nghiệp.

Chuyên đề