Gia tăng niềm tin của doanh nghiệp FDI

(BĐT) - Các cuộc thăm dò gần đây từ các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho thấy, Việt Nam về lâu dài tiếp tục là điểm sáng để họ rót vốn đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Tăng dần sức hút

Mới đây, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (GIC/AHK Việt Nam) cho biết, các nhà đầu tư Đức rất tin tưởng sự phát triển của Việt Nam.

Ông Marko Walde, Trưởng đại diện GIC/AHK Việt Nam nhận định, nhiều DN Đức đang tìm kiếm cơ hội mới hoặc mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Bởi họ nhận thấy thị trường Việt Nam đang tăng dần sức hấp dẫn khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN chính thức thành lập, khi Việt Nam ký kết những hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng như EVFTA hay TPP, và cả những lợi thế có sẵn của thị trường.

Hơn một nửa trong số các DN Đức khi được hỏi (gồm 23% trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, 58% từ dịch vụ, 19% từ thương mại) về triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam thì đều tỏ ra rất lạc quan. 47% trong số họ đều tin vào sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong năm tới.

70% DN Đức rất hài lòng với kết quả kinh doanh của DN mình. 58% trong số họ đều tin vào viễn cảnh tăng trưởng doanh thu trong năm tới. 54% DN được hỏi đều khẳng định họ sẽ tăng vốn đầu tư tại đây và 58% trong số họ có kế hoạch tuyển dụng trong năm 2017.

Ông Jorge Becerra, Giám đốc điều hành ngành hàng thức ăn chăn nuôi Cargill tại Việt Nam nhận định, lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam gặp khó khăn song về lâu dài, các DN FDI cũng nhìn thấy những tiềm năng tăng trưởng tốt.

Trong quý 1/2016, phía Cargill (DN Mỹ) đã hoàn thành thêm một dây chuyền sản xuất mới tại nhà máy ở Đồng Tháp với khoản đầu tư 8 triệu USD. Trong năm 2017, công ty này sẽ rót 30 triệu USD để xây nhà máy thứ 12 tại tỉnh Bình Dương. Cuối tháng 5/2016 vừa qua, Cargill đã khai trương nhà máy thức ăn chăn nuôi thứ 11 tại Nghệ An, trị giá 8,5 triệu USD.

Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam cũng cho biết, các nhà đầu tư Nhật đang cân nhắc, so sánh Việt Nam với Thái Lan để quyết định xem Việt Nam có thể trở thành địa điểm sản xuất chính cho cả khu vực hay không, chứ không chỉ xem xét riêng thị trường nội địa.

Thiếu nhân lực có tay nghề

Việt Nam cần xây dựng hệ thống đào tạo nghề hiện đại, phù hợp với nhu cầu của thị trường và DN, cũng như có tính thực tế cao nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững về đầu tư của Việt Nam
Tuy nhiên, như khảo sát của GIC/AHK Việt Nam, chính sách kinh tế, việc thiếu hụt lực lượng lao động có tay nghề hay lương công nhân tăng nhanh được cho là những nguy cơ kìm hãm sự đầu tư và mở rộng của DN Đức tại Việt Nam.

Theo ông Masuda Chikahiro, Phó Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam, môi trường đầu tư và những vấn đề tồn tại của DN Việt Nam vẫn cần được cải thiện (điển hình như nguồn nhân lực công nghiệp hỗ trợ còn thiếu). Trong sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 6, để chuẩn bị cho cuộc họp khởi động vào tháng 8/2016, các tổ công tác của JICA trong 5 lĩnh vực: Điều kiện lao động, chi phí nhân công, giao nhận vận tải, dịch vụ và hỗ trợ DN nhỏ và vừa đã được thành lập và thảo luận với các bộ, ngành của Việt Nam.

JICA hiện đang hỗ trợ cho các sáng kiến của phía Việt Nam thông qua việc cử các cố vấn xây dựng môi trường đầu tư tới Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) và chia sẻ các kinh nghiệm  thực hiện các hoạt động thu hút và xúc tiến đầu tư.

Giới đầu tư nước ngoài khuyến nghị, Việt Nam cần xây dựng hệ thống đào tạo nghề hiện đại, phù hợp với nhu cầu của thị trường và DN, cũng như có tính thực tế cao nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững về đầu tư của Việt Nam.

Hơn nữa, như đề nghị của GIC/AHK Việt Nam, Chính phủ Việt Nam cần hỗ trợ DN trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh và tính chuyên nghiệp để có thể đủ nội lực cạnh tranh với các DN khác khi TPP cũng như các FTA khác có hiệu lực.              

Chuyên đề