Gia tăng giá trị dệt may: Cần vốn, chính sách ưu đãi

(BĐT) - Với ngành dệt may nội địa trong bối cảnh hội nhập, việc phải làm hiện giờ là chuyển đổi phương thức gia tăng giá trị và phát triển công nghệ hỗ trợ. Các giải pháp về nguồn vốn và chính sách hỗ trợ sẽ giúp thúc đẩy chuyện này.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Giá trị thấp vì mãi gia công

Thông tin mới đây trước việc Campuchia vượt Việt Nam về thị phần dệt may tại thị trường lớn EU (thị phần dệt may Việt tại EU đạt 3,45%, trong khi Campuchia đang nắm 3,64%) khiến nhiều người không khỏi giật mình. Sự lấn lướt của Campuchia chính là lúc để các doanh nghiệp (DN) may mặc nội địa nhìn lại mình để thay đổi. Bởi thực tế, dù dệt may hiện là một trong những ngành dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu nhưng lợi nhuận thu về lại không cao.

Theo tính toán của giới chuyên gia, trong tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2015 vào khoảng 23 tỷ USD thì khối DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm đến 70% doanh số, còn Việt Nam chỉ chiếm 30%, tương đương 7 tỷ USD. Trong đó, 85% DN nội vẫn chỉ làm gia công xuất khẩu. Như vậy, kim ngạch thực nhận chưa đầy 1,5 tỷ USD (và đóng góp vào ngân sách chỉ 150 tỷ đồng) vì chi phí gia công chỉ chiếm khoảng 25% giá thành sản phẩm, hay nói cách khác thì 5,5 tỷ USD đã chảy vào túi các công ty nước ngoài giao hàng gia công.

Theo kinh nghiệm của ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP SXTM May Sài Gòn (Garmex Sài Gòn), giả sử 100% DN may mặc nội địa chuyển đổi phương thức từ gia công sang mua nguyên liệu, bán thành phẩm, ngân sách sẽ thu về 77 triệu USD, tương đương 1.770 tỷ đồng, gần 12 lần so với gia công.

Nhận thấy rõ những bất cập này nên từ sau khi cổ phần hoá, Công ty Garmex Sài Gòn đã phát triển phương thức OBM (sở hữu nhãn hiệu riêng) bên cạnh việc nâng cao hiệu quả phương thức mua nguyên liệu, bán thành phẩm. Hồi tháng 7/2015, Công ty này đã mua lại quyền khai thác một thương hiệu tại thị trường Mỹ chuyên hàng thể thao, có hệ thống phân phối ở 7 tiểu bang và mua bán trực tuyến trên Amazon. Việc chuyển nhượng sẽ tạo chuỗi sản xuất kinh doanh khép kín từ khâu thiết kế, phát triển mẫu đến phân phối.

Cũng theo ông Lê Quang Hùng, phương thức trên sẽ giúp Công ty giảm thiểu sự lệ thuộc nguồn cung do tự thiết kế, phát triển, chủ động hoạch định chiến lược sản xuất, giảm thiểu rủi ro “mùa vụ”, tạo ổn định nguồn hàng vào kéo dài biên lợi nhuận. Về lâu dài, thương hiệu này có thể sẽ thâm nhập vào các thị trường mục tiêu như Australia, Nga và Việt Nam. Mục tiêu đến năm 2018 phấn đấu doanh thu 15 triệu USD, chiếm 10% doanh thu toàn Công ty. 

Cần vốn, chính sách ưu đãi

Theo dự báo, đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu dệt may có thể đạt 30 tỷ USD và đến năm 2025 có thể đạt 55 tỷ USD, gấp 2 lần năm 2015. Tuy nhiên, để đổi mới tư duy của các DN dệt may nội địa, điều quan trọng là sự hỗ trợ chính sách của Nhà nước. Theo giới chuyên gia, các cơ quan quản lý cần phối hợp cùng hiệp hội ngành nghề và các DN tâm huyết để ban hành các chính sách khuyến khích DN may mặc chuyển đổi phương thức kinh doanh từ gia công sang phương thức mua nguyên liệu, bán thành phẩm hay ODM (tự thiết kế bán hàng) hoặc OBM.

Cụ thể, cần có các chính sách ưu đãi tín dụng để mua nguyên, phụ liệu do Việt Nam sản xuất và hỗ trợ đầu tư hệ thống tuân thủ Trách nhiệm xã hội (TNXH). Ngoài ra, cần kích cầu đầu tư thiết bị chuyên dùng, hỗ trợ đào tạo nhân lực kinh doanh, kỹ thuật, xúc tiến, phát triển khách hàng trực tiếp. Hơn nữa, nên có chính sách khuyến khích các DN có kinh nghiệm tham gia dịch vụ hỗ trợ chuyển đổi như phát triển mẫu, nguyên, phụ liệu…

Giới chuyên gia cho rằng, việc chuyển đổi phương thức kinh doanh không chỉ gia tăng giá trị thặng dư mà còn là động lực thúc đẩy phát triển công nghệ hỗ trợ. Một nút thắt của công nghiệp hỗ trợ dệt may hiện nay là xử lý ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất. Vì vậy, ở một số địa phương cần quy hoạch một số khu, cụm công nghiệp chuyên ngành như nhuộm, xi mạ, thuộc da… Việc tập trung vừa thuận lợi trong quản lý vừa góp phần giảm thiểu giá thành sản xuất.

Ông Lê Quang Hùng đề xuất nên có chính sách ưu đãi, như vay vốn kích cầu đầu tư hạ tầng cụm của các nhà đầu tư cũng như chính sách hỗ trợ tín dụng và khuyến khích sản phẩm mới, ưu đãi chi phí duy tu bảo dưỡng hạ tầng, chi phí thuê đất.

Về giá thành, cần có chính sách khuyến khích sản xuất thiết bị đồng bộ trong dây chuyền sản xuất sản phẩm hỗ trợ dệt may. Tỷ lệ nội địa hoá thiết bị sẽ góp phần giảm thiểu giá thành của sản phẩm. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần tối ưu hoá thủ tục quản lý chuyên ngành như thuế, hải quan, môi trường… nhằm giúp giảm chi phí.

Chuyên đề