Giá điện sẽ tăng theo thuế tài nguyên

(BĐT) - Kể từ ngày 1/7/2016, thuế tài nguyên nước sẽ tăng theo Nghị quyết vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành. Thuế tài nguyên nước nói chung, nước thiên nhiên dành cho sản xuất thủy điện tăng là lý do “thuận lợi” nhất để ngành điện tiếp tục tăng giá bán điện vào năm tới.
Với thuế suất 5%, số thu ngân sách từ thuế tài nguyên nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thủy điện khoảng 3.875,6 tỷ đồng/năm. Ảnh: Nhã Chi
Với thuế suất 5%, số thu ngân sách từ thuế tài nguyên nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thủy điện khoảng 3.875,6 tỷ đồng/năm. Ảnh: Nhã Chi

Thu ngân sách thêm gần 800 tỷ đồng mỗi năm

Ngày 16/3/2015, giá điện bán lẻ bình quân tăng 7,5% - mức tăng thấp nhất theo đề xuất của Bộ Công Thương đã làm hài lòng người dân, nhưng không vừa lòng ngành điện. Năm 2015, ngành điện đề nghị tăng giá bán điện với lý do đầu tư bị lỗ vì tỷ giá tăng. Năm 2016, lý do tỷ giá không những còn nguyên “giá trị”, mà còn có thêm “giá trị gia tăng”. Bởi năm 2015, những động thái của Ngân hàng Nhà nước như điều chỉnh tỷ giá và nới biên độ giao dịch của đồng USD/VND đã khiến tỷ giá USD bình quân năm 2015 tăng 3,16% so với năm 2014, gấp nhiều lần tốc độ tăng tỷ giá năm 2014 (năm 2014, tỷ giá VND/USD chỉ tăng 0,56% so với năm 2013). Ngoài lý do tỷ giá tăng mạnh, năm 2016, ngành điện còn có thêm lý do hết sức thuyết phục là Nhà nước tăng thuế tài nguyên nước dành cho sản xuất thủy điện kể từ 1/7/2016.

Lý giải về việc tăng thuế tài nguyên thiên nhiên nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, việc khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên nước còn lãng phí, hiệu quả sử dụng nước thấp, thiếu bền vững gây suy giảm nguồn tài nguyên nước. Do đó, việc điều chỉnh tăng thuế suất thuế tài nguyên nước thiên nhiên sẽ góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên nước, nâng cao ý thức của người dân trong việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Trước năm 2014, nước dành cho sản xuất thủy điện chỉ chịu thuế tài nguyên với thuế suất 2%; kể từ năm 2014, nguồn tài nguyên này đã được điều chỉnh tăng gấp đôi thuế suất, lên mức 4% và kể từ 1/7/2016 sẽ được tăng lên mức kịch trần trong khung thuế suất (2 - 5%). Theo số liệu của Bộ Tài chính, số thu ngân sách từ thuế tài nguyên tăng liên tục, từ 949 tỷ đồng năm 2011 lên 1.380 tỷ đồng vào năm 2012 và 1.617 tỷ đồng vào năm 2013. Năm 2014, nhờ việc tăng thuế thuế tài nguyên nước đối với thủy điện lên gấp đôi, số thu ngân sách cũng tăng lên tương ứng với tổng số thu là 3.458 tỷ đồng. Với mức thuế suất mới là 5%, theo tính toán của Bộ Tài chính, từ năm 2016, số thu ngân sách từ thuế tài nguyên nước sẽ tăng thêm 887,7 tỷ đồng, lên khoảng 4.352,7 tỷ đồng/năm, trong đó số thu dự kiến từ nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thủy điện khoảng 3.875,6 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 775,1 tỷ đồng.

Nhiều khả năng giá bán điện và nước sạch cùng tăng

Bộ Tài chính tính toán, với mức thuế suất mới, số thuế phải nộp ngân sách nhà nước đối với nước thiên nhiên dành cho sản xuất thủy điện, giá điện sẽ tăng thêm 15 đồng/kwh, số thuế tài nguyên phải nộp và lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất điện chiếm tương ứng 3,5% và 0,5% giá bán. “Việc tăng thuế suất thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thủy điện khiến lợi nhuận trên một đơn vị khai thác nước giảm chỉ còn khoảng 12 đồng/kwh. Tuy nhiên, qua rà soát các hợp đồng mua bán điện thì đơn vị bán điện và đơn vị mua điện có thể thỏa thuận điều chỉnh lại giá mua bán điện để bảo đảm lợi nhuận phù hợp”, ông Đinh Tiến Dũng cho biết. Vẫn theo ông Đinh Tiến Dũng, việc tăng mức thuế suất thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thủy điện và nước thiên nhiên dùng cho sản xuất nước sạch có thể dẫn đến giá bán điện và nước sạch tăng. Qua tính toán thì trường hợp giá bán điện và nước sạch được điều chỉnh tăng theo việc tăng thuế tài nguyên thì mức tăng tương đương 15 đồng/kwh đối với điện. Để tránh việc phải đóng thêm tiền điện do giá điện tăng vì thuế tài nguyên tăng, thì chỉ còn cách duy nhất là: “người dân và doanh nghiệp có thể điều chỉnh lại việc sử dụng điện, nước theo hướng tiết kiệm, hiệu quả nhằm cắt, giảm chi phí”.

Lạm phát năm 2015 thấp nhất trong vòng 14 năm gần đây khi chỉ tăng 0,6%. Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê thì đây là điều kiện thuận lợi nhất để điều chỉnh một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang được Nhà nước quản lý như giá điện, nước, học phí, viện phí… Bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá thuộc Tổng cục Thống kê dự báo: “Nhiều khả năng, Chính phủ cân nhắc, tính toán để điều chỉnh tăng giá điện trong năm 2016”. Bà Thủy tính toán, nếu giá điện tăng 10 - 15% sẽ tác động tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2016 khoảng 0,25% - 0,4%. Trong điều kiện CPI tăng mạnh như các năm trước đây, mức đóng góp của việc tăng giá điện vào CPI 0,25% - 0,4% là không lớn, tuy nhiên, với tốc đột tăng CPI thấp như 2 năm vừa qua, thì mức đóng góp vào CPI do giá điện tăng có thể nói là vô cùng lớn. Cụ thể như năm 2015, CPI chỉ tăng 0,6% trong khi ngành điện đã “đóng góp” vào chỉ số này 0,19%, tương đương 31,17% do điện tăng giá 7,5%.               

Chuyên đề