Dùng PPP khơi nội lực doanh nghiệp

(BĐT) - “Hợp tác theo hình thức đối tác công tư (PPP) phải được đẩy mạnh hơn nữa trong các chương trình khuyến công quốc gia, xúc tiến thương mại, khoa học công nghệ để khơi dậy nội lực của doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy phát triển thị trường trong nước và vươn ra thế giới”...
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa nhấn mạnh như vậy tại Hội thảo Tăng cường hợp tác công tư, diễn ra ngày 25/8, tại Hà Nội.

PPP đang mang lại những “quả ngọt”!

Thông tin về tình hình hợp tác công tư phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, bà Lê Thị Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương chia sẻ: “PPP đang góp phần quan trọng đưa hàng Việt tới gần hơn với người tiêu dùng trong nước, tỷ lệ hàng Việt tại các siêu thị đã tăng cao từ 70 - 90%”. Bà Nga cho rằng, PPP sẽ càng cần thiết hơn trong bối cảnh kinh tế nước ta đang hội nhập mạnh mẽ với các mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt. Sự tham gia gắn kết giữa Nhà nước và khu vực tư nhân không chỉ chia sẻ những lợi ích, mà còn giảm bớt những rủi ro trong quá trình triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của Nhà nước, đồng thời giảm bớt áp lực chi ngân sách, tối ưu hóa hiệu quả hoạt động và chất lượng dịch vụ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Thông qua PPP, các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được với các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng cường đầu tư hạ tầng thương mại, mở rộng và phát triển mạng lưới kinh doanh.

Đánh giá về sự cần thiết của mô hình này, chia sẻ với Báo Đấu thầu, đại diện Công ty CP Hoàng Ngân cho biết: “Hầu hết những người làm chủ các doanh nghiệp tư nhân đều đi lên từ hai bàn tay trắng, nên rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, trong đó mô hình PPP là một giải pháp. Có một thực tế là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, gần như doanh nghiệp “phải tự lực cánh sinh”, do đó rất cần thúc đẩy mô hình này để phát triển hàng trong nước”.

Hà Nội là một địa phương được đánh giá khá tốt trong việc triển khai PPP để phát triển thị trường trong nước. Bà Mai Thị Thùy, Chủ tịch Hội Nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội đánh giá, hơn 90% doanh nghiệp của Hội là các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất hàng hóa tiêu dùng đa ngành nghề như: may mặc, da giầy, chế biến thực phẩm, cơ khí…, nên việc áp dụng PPP thời gian qua đã trợ giúp rất nhiều cho việc phát triển thị trường của doanh nghiệp. “Nếu không có sự hỗ trợ này thì Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước khó có thể thành công như thời gian vừa qua” - Bà Thùy ghi nhận.

Để doanh nghiệp bớt chật vật

Chỉ có 23% số DN đánh giá mua hàng nội địa qua trung gian gặp thuận lợi. Chi phí cho logistics ở Việt Nam đang ở mức tương đương 25% GDP, trong khi ở Nhật Bản chỉ là 11%... 
Theo các chuyên gia kinh tế, trong những năm gần đây, hình thức PPP đã và đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới và được áp dụng trong nhiều lĩnh vực kinh tế như: xây dựng, giao thông, y tế… Tại Việt Nam, mô hình này đang góp phần “thay áo” cho hệ thống kết cấu hạ tầng với những con đường BOT hiện đại, các bệnh viện khang trang… Tuy nhiên, các chuyên gia này nhìn nhận, thời gian qua vẫn còn khoảng trống rất lớn trên thị trường mà các doanh nghiệp trong nước chưa dành sự quan tâm thích đáng, đó là phát triển thị trường trong nước. Việc đẩy mạnh hợp tác công tư sẽ là một giải pháp để hàng Việt đến nhiều hơn với người tiêu dùng trong nước.

Đại diện Công ty CP Xi măng và Khoáng sản Yên Bái chia sẻ, mặc dù là một đơn vị sản xuất bột đá lớn của Việt Nam, chuyên cung cấp nguyên liệu cho các ngành sản xuất như xi măng, chất độn trong sơn…, nhưng khi sản phẩm bán ra thị trường nước ngoài phải chịu bán dưới tên của một doanh nghiệp nước ngoài. Hạn chế này khiến một sản phẩm có thương hiệu của Việt Nam vẫn chật vật tìm chỗ đứng khi xuất khẩu ra nước ngoài. “Doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ từ cơ quan nhà nước để gỡ khó cho những vấn đề đang gặp phải, chẳng hạn qua hình thức PPP”.

Bà Lê Thị Phương, Giám đốc Công ty CP Thương mại Bình Nguyên chia sẻ, không ít sản phẩm thép của Việt Nam có chất lượng tốt, nhưng do công tác tuyên truyền kém nên nhiều khi hàng trong nước bị “ra rìa”.

Số liệu khảo sát của Bộ Công Thương mới đây cũng chỉ ra, chỉ có 23% số DN đánh giá mua hàng nội địa qua trung gian gặp thuận lợi. Chi phí cho logistics ở Việt Nam đang ở mức tương đương 25% GDP, trong khi ở Nhật Bản chỉ là 11%... Không dừng lại ở đó, trong quá trình mở rộng kênh phân phối, các DN đang gặp nhiều khó khăn, do chi phí lớn trong bối cảnh tiềm lực DN trong nước còn nhỏ và manh mún.

Chuyên đề