Đừng biện minh cho chỉ định thầu

(BĐT) - Các dự án BOT giai đoạn trước đều chỉ định thầu và cơ quan quản lý nhà nước lý giải là chỉ định thầu đúng quy trình, đúng quy định. Thế nhưng, phải chăng người thực hiện đã làm hết sức, đã thực sự mong muốn đấu thầu rộng rãi mà không thành, bất đắc dĩ phải chỉ định thầu đúng quy trình?
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Phía sau sự chỉ định thầu đúng quy trình

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), các dự án BOT trong giai đoạn 2011 - 2014 áp dụng chỉ định thầu do: đối với Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14 được triển khai bởi 2 nguồn vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) và nguồn vốn BOT. Các dự án sử dụng vốn TPCP đều được Thủ tướng Chính phủ cho phép chỉ định thầu. Để đáp ứng yêu cầu cấp bách của các dự án, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý chỉ định nhà đầu tư các dự án BOT. Đối với các dự án BOT khác, đều thuộc diện đăng tải danh mục dự án trong vòng 30 ngày để kêu gọi đầu tư, nhưng chỉ có 1 nhà đầu tư đăng ký.

Như lý giải của Bộ GTVT, các dự án BOT chỉ định thầu đều đúng quy định, quy trình. Tuy nhiên, theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ về các dự án BOT, BT của Bộ GTVT vừa được công bố lại hé mở phần nào nguyên nhân dẫn đến sự thiếu quan tâm của nhà đầu tư đối với dự án BOT mà Bộ này đã công bố, dẫn đến tình trạng Bộ phải chỉ định thầu đúng quy trình.

Ở bước công khai đầu tiên về dự án BOT, Thanh tra Chính phủ chỉ ra, Bộ GTVT chưa thực hiện đầy đủ quy trình xây dựng và công bố danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT vào tháng 1 hàng năm theo quy định tại Nghị định 108/2009/NĐ-CP. Theo đó, những thông tin cần thiết về chủ trương đầu tư, về các dự án kêu gọi đầu tư được công bố chưa toàn diện, rộng rãi, kịp thời đến các nhà đầu tư, đến các thành phần kinh tế; hạn chế số lượng nhà đầu tư tiềm năng tham gia, hoặc nhà đầu tư bị hạn chế thông tin và thời gian cần thiết cho việc tiếp cận, nghiên cứu dự án để quyết định việc tham gia đầu tư.

Thanh tra Chính phủ đánh giá thực tế từ khi triển khai đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT trong lĩnh vực giao thông đến nay, với hơn 70 dự án đã thực hiện mà không lựa chọn được nhà đầu tư nào thông qua đấu thầu cạnh tranh, 100% là chỉ định thầu với lý do chỉ có 1 nhà đầu tư tham gia, dẫn đến việc đàm phán ký kết nội dung hợp đồng, hình thức hợp đồng, giám sát quản lý thực hiện hợp đồng, quản lý vốn đầu tư hết sức phức tạp, nhiều bất cập, sai sót, làm hạn chế hiệu quả thực hiện các dự án cũng như chủ trương đầu tư chung.

Đặc biệt, các dự án trình xin chủ trương lựa chọn nhà đầu tư bằng hình thức chỉ định thầu đều có lý do chỉ có 1 nhà đầu tư tham gia hoặc do tính cấp bách của dự án nhưng không có quy trình, thủ tục đánh giá, xác định thế nào là dự án cấp bách; trong đó, chỉ có duy nhất dự án Pháp Vân - Cầu Giẽ Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, nhưng quá trình triển khai thực hiện đấu thầu cũng không chọn được nhà đầu tư, phải chuyển sang hình thức chỉ định thầu.

Thực tế triển khai nhiều dự án BOT cũng cho thấy, dù được chỉ định thầu vì cấp bách nhưng sau đó vẫn chậm tiến độ vì nhiều lý do khác như nhà đầu tư chưa đáp ứng tiến độ góp vốn chủ sở hữu; chưa nhận được cam kết cấp vốn chính thức của tổ chức tín dụng; nhà đầu tư lựa chọn nhà thầu thi công kém chất lượng, công tác quản lý tại công trường của chính nhà đầu tư cũng thiếu chuyên nghiệp, chưa huy động đầy đủ năng lực phục vụ thi công theo tiến độ;… Rõ ràng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ dự án BOT, mà không phải là do khâu đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. 

Xem xét lại dự án BOT chỉ có 1 nhà đầu tư đăng ký

Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ GTVT khắc phục và thực hiện nghiêm túc quy định về xây dựng và công bố danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), đảm bảo kịp thời và đúng quy định; thực hiện việc lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu cạnh tranh.

Cơ quan này cũng kiến nghị các cơ quan liên quan bổ sung quy định chặt chẽ về lựa chọn nhà đầu tư phải thông qua đấu thầu cạnh tranh; những dự án chỉ có 1 nhà đầu tư đăng ký phải xem xét lại tính khả thi của dự án trong việc quyết định chủ trương đầu tư. 

Nhiều chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực PPP cũng khuyến nghị, nếu như đưa ra sơ tuyển mà chỉ có 1 nhà đầu tư quan tâm đăng ký, và thường chính là nhà đầu tư đề xuất dự án, thì cần xem xét lại chính hồ sơ dự án đưa ra sơ tuyển, lựa chọn nhà đầu tư vì không lý do gì nhà đầu tư đó “cố đấm” thực hiện một dự án BOT thiếu tính hấp dẫn đến mức thị trường không có nhà đầu tư nào khác quan tâm.

Chuyên đề