Dư địa rất lớn cho PPP trong nông nghiệp

(BĐT) - Thúc đẩy hợp tác công tư phát triển chuỗi giá trị nông sản thực phẩm tại Việt Nam đang trở thành câu chuyện thu hút được sự quan tâm sâu sắc của nhiều tập đoàn kinh tế thế giới, cũng như các chuyên gia về nông nghiệp. 
Đã có 20 tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới đang bắt tay với Chính phủ, các địa phương phát triển nông nghiệp. Ảnh: Lê Tiên
Đã có 20 tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới đang bắt tay với Chính phủ, các địa phương phát triển nông nghiệp. Ảnh: Lê Tiên

Rõ ràng, sự thành công của các sản phẩm nông nghiệp được nảy mầm từ mô hình PPP thời gian qua đã khơi dậy niềm tin cho nhiều doanh nghiệp.

Dư địa rất lớn từ 6 nhóm sản phẩm mở màn

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đã có 20 tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới đang bắt tay với Chính phủ, các địa phương phát triển nông nghiệp. Cho đến nay, 6 nhóm PPP về thủy sản, cà phê, chè, rau quả, hàng hoá chung và tài chính nông nghiệp, được thành lập trong khuôn khổ “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp” của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) được khởi đầu tại Việt Nam năm 2010, đều hoạt động rất hiệu quả và được đánh giá cao.

Đại diện Bộ NN&PTNT khẳng định: “Dù mới triển khai, nhưng lợi ích PPP đem lại cho nông nghiệp Việt Nam là rất lớn, đang là nhân tố chiến lược giúp tăng sức cạnh tranh của các chuỗi nông sản. Thông qua chương trình này, các tập đoàn đa quốc gia đã đầu tư vào đào tạo kỹ thuật cho nông dân, thiết lập hạ tầng thị trường, giúp xây dựng kênh tiếp thị hiệu quả. Bộ NN&PTNT cho rằng, dư địa của mô hình PPP trong lĩnh vực nông nghiệp là rất lớn. Người nông dân đã thực sự trở thành một “đối tác” đúng nghĩa trong các dự án PPP nông nghiệp”.

Giáo sư Louie A. Divinagracia, đại học Philippines cho biết, PPP đang là công cụ nâng cao hiệu quả của chuỗi giá trị thực phẩm tại các nước châu Á. “Quan hệ đối tác đạt hiệu quả cao nhất khi được sử dụng để thúc đẩy toàn bộ ngành hoặc cụm. PPP được thiết kế để tăng cường mối liên kết giữa nông dân, các nhà cung cấp đầu vào và thị trường nông sản có giá trị cao. Việt Nam mới làm quen với PPP nhưng bản thân ngành nông nghiệp đã gặt hái được nhiều thành quả tốt. Mô hình này cần được khuyến khích, nhân rộng hơn nhằm tăng cường kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp” - chuyên gia này bình luận. 

Cần nhân rộng mô hình PPP

Tham gia vào các mô hình PPP, người nông dân được nâng cao nhận thức trong quá trình canh tác, sản xuất và được bảo đảm thu nhập.
Dù dư địa của đầu tư vào nông nghiệp qua hình thức PPP được các doanh nghiệp đánh giá cao, nhưng những thách thức hiện hữu và lâu dài vẫn được các chuyên gia thẳng thắn đề cập. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam cho biết, dù là một nền kinh tế lấy nông nghiệp làm nền tảng nhưng hiện nay, năng suất của ngành nông nghiệp của chúng ta còn rất thấp. Lực lượng lao động lại có chất lượng chưa cao, chưa có tính chuyên nghiệp.

Trong khi đó, Giáo sư Võ Tòng Xuân, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp, quan ngại rằng, hiện trạng thị trường nông sản của chúng ta hiện nay là nông dân tự do nuôi trồng giống cây nào dễ bán, phần lớn chỉ bán cho thương lái vì ít khi có doanh nghiệp đến mua. Trong khi đó, doanh nghiệp hiện nay ít hợp đồng chặt chẽ với nông dân, thích mua hàng trôi nổi của thương lái, tìm ai rẻ nhất để mua. Trong khi nông dân và doanh nghiệp mất lòng tin lẫn nhau, ít gắn bó thì Nhà nước không có chiến lược nông nghiệp khả thi, vẫn còn tình trạng nông dân và doanh nghiệp mạnh ai nấy lo. Chưa có sự chuẩn bị tích cực cho nông dân và doanh nghiệp cải tiến năng lực cạnh tranh.

Ông Mitsuo Nakamura, đến từ Tổ chức Năng suất châu Á (APO) cho rằng, tham gia vào các mô hình PPP, người nông dân được nâng cao nhận thức trong quá trình canh tác, sản xuất và điều quan trọng nhất là thu nhập của họ được bảo đảm. Thông qua mô hình PPP, Chính phủ cũng có cái nhìn tổng thể và thước đo kinh tế chính xác hơn khi xây dựng và áp dụng, điều hành, điều chỉnh các chính sách cho phát triển bền vững nông nghiệp.

Khi người nông dân và doanh nghiệp trở thành một chuỗi gắn kết, các chính sách bổ trợ cho toàn chuỗi sẽ giúp từng mắt xích trong chuỗi được hưởng lợi. Đây là quá trình mà chính sách sẽ tác động theo hướng nâng cao thu nhập cho nông dân. “PPP là yếu tố quyết định đến thành công của một nền nông nghiệp hiện đại. Do đó, các mô hình này, dù ở bất kỳ ngành hàng nào của nông nghiệp, cũng cần được sự ủng hộ mạnh mẽ của chính phủ, sự đồng lòng của người nông dân và doanh nghiệp” - đại diện APO cho biết thêm.

Ông Võ Tân Thành, Giám đốc VCCI chi nhánh TP.HCM khẳng định, hợp tác PPP trên thế giới đã làm rất tốt và hiệu quả. Việt Nam cần tận dụng ngay để cải thiện năng suất, nâng cao chất lượng lao động. “Tuy nhiên, chúng tôi mong rằng, trong các dự án PPP nông nghiệp, người nông dân cần được cả Chính phủ và doanh nghiệp coi là trung tâm để hướng tới sự phát triển một cách hiệu quả, lâu dài, nâng cao giá trị gia tăng”, ông Thành khẳng định.

Chuyên đề