Dự án PPP: Quyết toán chi phí thì đấu thầu để làm gì?

(BĐT) - “Với dự án PPP có một phần vốn nhà nước tham gia, nếu không quyết toán thì Kho bạc Nhà nước không giải ngân, nhưng nếu quyết toán thì đấu thầu làm gì?”. 
Nhiều nhà đầu tư cho rằng, việc quyết toán dự án PPP nên dựa trên hợp đồng, chỉ nghiệm thu về chất lượng công trình, dịch vụ mà không quyết toán chi phí. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều nhà đầu tư cho rằng, việc quyết toán dự án PPP nên dựa trên hợp đồng, chỉ nghiệm thu về chất lượng công trình, dịch vụ mà không quyết toán chi phí. Ảnh: Lê Tiên

Ông Nguyễn Văn Tỉnh - Tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) đặt câu hỏi, cũng đồng thời chỉ ra vướng mắc rất lớn hiện nay đối với vấn đề quyết toán công trình dự án PPP, dẫn đến nhà đầu tư PPP “lãi không được hưởng, lỗ không phải chịu”.

Ý kiến của ông Nguyễn Văn Tỉnh cũng là quan điểm của nhiều nhà đầu tư lớn tại Hội thảo tham vấn nhà đầu tư về xây dựng Luật PPP do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức mới đây. Về vấn đề quyết toán công trình, dự án PPP, một trong những phương án được lấy ý kiến là việc quyết toán được thực hiện trên cơ sở tôn trọng thỏa thuận hợp đồng, chỉ nghiệm thu về chất lượng công trình, dịch vụ, trường hợp không bảo đảm chất lượng thì thực hiện điều khoản về phạt hợp đồng, đền bù thiệt hại.

Nêu quan điểm, ông Nguyễn Văn Tỉnh cho rằng, dự án PPP nên quản lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, không cần quyết toán vì nếu thanh toán theo giá trị quyết toán thì nhà đầu tư làm tốt, giảm chi phí đầu tư cũng không được hưởng. Trong khi nhà đầu tư phải tuân thủ nguyên tắc thị trường “lời ăn lỗ chịu”.

 Làm rõ hơn, ông Phan Xuân Dương, Phó giám đốc Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân 3 lấy ví dụ: “Dự án BOT hợp đồng 3 tỷ USD, nhà đầu tư làm đêm làm ngày, sử dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm, làm chỉ mất hơn 2 tỷ USD, không phải 3 tỷ thì quyết toán xong rút của nhà đầu tư đi”. Từ đó, ông Phan Xuân Dương cũng cho rằng việc quyết toán công trình PPP nên thực hiện trên cơ sở tôn trọng hợp đồng, không quyết toán về chi phí vì nhà đầu tư PPP không phải như nhà thầu làm dự án đầu tư công.

Đại diện một nhà đầu tư lớn khác, ông Lê Thanh - Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Phú Điền chỉ ra vướng mắc theo Luật Đầu tư công, dự án có một phần vốn của Nhà nước được coi là dự án đầu tư công và dự án PPP được quy định trong Luật Đầu tư công. Như vậy dự án PPP đương nhiên phải quyết toán như dự án đầu tư công. Ông Lê Thanh đề xuất khi xây dựng Luật PPP nên quy định quyết toán phải theo hướng tôn trọng hợp đồng đã ký, kiểm soát theo đầu ra. Tuy nhiên, để khả thi thì phải sửa đồng bộ quy định liên quan đến dự án PPP tại Luật Đầu tư công.

Theo Bộ KH&ĐT, ở tầm nghị định, khung pháp lý về PPP phải tuân thủ theo nhiều quy định của hệ thống pháp luật hiện hành. Với vấn đề quyết toán, Nghị định số 63/2018/NĐ-CP quy định nhà đầu tư phải thực hiện việc quyết toán công trình kể từ ngày hoàn thành công trình dự án. Bên cạnh đó, Thông tư 88/2018/TT-BTC quy định việc quyết toán vốn đầu tư công trình dự án PPP hoàn thành thực hiện theo quy định tại Thông tư của Bộ Tài chính về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn Nhà nước. Theo đó, dự án PPP được quyết toán như một dự án đầu tư công.

Tuy nhiên, theo Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính và nhiều chuyên gia, việc quy định quyết toán dự án PPP sau khi hoàn thành như quyết toán dự án sử dụng vốn nhà nước sẽ không đảm bảo khoa học. Bởi lẽ bản chất dự án PPP là Nhà nước lựa chọn nhà đầu tư để đầu tư xây dựng vận hành dự án trong suốt vòng đời 20 - 30 năm, khác với dự án sử dụng vốn nhà nước - Nhà nước lựa chọn nhà thầu để thi công công trình.

Bên cạnh đó, quy định quyết toán dự án PPP hiện hành cũng không phù hợp với thông lệ quốc tế. Ví dụ Luật PPP của Hàn Quốc xem giá công trình là trọn gói và không quyết toán chi phí xây dựng, Nhà nước kiểm soát qua bộ chỉ số yêu cầu về chất lượng công trình/dịch vụ được quy định tại hợp đồng dự án.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, quy định quyết toán dự án, công trình PPP sẽ giảm tính chủ động của nhà đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư tăng chi phí xây dựng, chất lượng công trình ban đầu để giảm chi phí vận hành trong suốt vòng đời sau này của Dự án, hoặc làm giảm tính sáng tạo của nhà đầu tư trong xây dựng công trình để tiết giảm chi phí.

Chuyên đề