Dự án Đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ: Vì sao không sử dụng quyền thu phí?

(BĐT) - Mới đây, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có văn bản báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục cho phép đầu tư Dự án Đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ theo hình thức BOT nhưng không sử dụng hỗ trợ của Nhà nước bằng quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, mà cần 932 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước để hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng. Vì sao Bộ GTVT kiến nghị như vậy?
Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài 23,6 km; giai đoạn 1 đầu tư mặt cắt ngang 4 làn xe, bề rộng mặt đường 17 m với tổng mức đầu tư là 5.408 tỷ đồng. Ảnh: Phan Hiển
Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài 23,6 km; giai đoạn 1 đầu tư mặt cắt ngang 4 làn xe, bề rộng mặt đường 17 m với tổng mức đầu tư là 5.408 tỷ đồng. Ảnh: Phan Hiển

Vướng mắc khi đấu giá quyền thu phí

Bộ GTVT cho biết, Dự án Đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có tổng chiều dài 23,6 km; giai đoạn 1 đầu tư mặt cắt ngang 4 làn xe, bề rộng mặt đường 17 m với tổng mức đầu tư là 5.408 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) cho giai đoạn hoàn thiện 6 làn xe là khoảng 932 tỷ đồng. Thời gian thu phí hoàn vốn đầu tư cho Dự án khoảng 18 năm 2 tháng (dự kiến bắt đầu thu từ năm 2021) và hỗ trợ bằng quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương là 4 năm 2 tháng (dự kiến thu từ tháng 4/2028 đến tháng 6/2032). Hiện nay, Bộ GTVT đang tổ chức sơ tuyển quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Nghị định 30/2015/NĐ-CP.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3, Khoản 2 và Khoản 4 Điều 4 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương đang vận hành khai thác hiện nay thuộc nhóm tài sản công kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, được coi là tài sản sử dụng vốn nhà nước nên việc sử dụng phải tuân thủ theo Luật này. Việc xác định giá trị tài sản công dùng để tham gia trong dự án PPP phải căn cứ vào Khoản 1 Điều 69 Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức PPP (có hiệu lực từ ngày 19/6/2018). Bộ GTVT đã nghiên cứu 2 phương án đấu giá tài sản để sử dụng, do tài sản là quyền thu phí dự kiến từ tháng 4/2028 - 6/2032.

Thứ nhất là đấu giá quyền thu phí tại thời điểm đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư vào năm 2019. Bộ GTVT đánh giá phương án này không khả thi về mặt tín dụng và kém hấp dẫn nhà đầu tư vì việc tổ chức đấu giá quyền thu phí trong thời gian từ tháng 4/2028 - 6/2032 sẽ phát sinh rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư tham gia. Nguyên nhân là việc chi trả tiền để nhận quyền thu phí tại thời điểm năm 2019 nhưng đến năm 2028 mới bắt đầu được nhận quyền và thu hồi hoàn vốn là khoảng thời gian dài, có thể xảy ra nhiều biến động tài chính khó lường.

Thứ hai là đấu giá quyền thu phí vào thời điểm năm 2027 - 2028 (trước thời điểm giao quyền thu phí - tháng 4/2028). Theo Bộ GTVT, việc đấu giá vào thời điểm này sẽ khả thi về lý thuyết nhưng tạo rủi ro cho Chính phủ và Bộ GTVT do để ký hợp đồng vào năm 2019 với nhà đầu tư tham gia đấu thầu xây dựng cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ thì Chính phủ và Bộ GTVT sẽ phải cam kết cấp cho nhà đầu tư một khoản tiền khoảng 4.600 tỷ đồng vào năm 2028 (sau khi đấu giá chuyển nhượng quyền thu phí thành công) hoặc có thể trả thành nhiều lần từ tháng 4/2028 - 6/2032 theo phương án tài chính dự kiến. Nếu đấu giá không thành công hoặc đấu giá không đủ tiền để cấp cho nhà đầu tư, Chính phủ phải trích từ nguồn ngân sách nhà nước để trả bù. Bộ GTVT đánh giá phương án này khả thi về trình tự nhưng không khả thi trong điều kiện hiện nay về kế hoạch bố trí vốn.

Như vậy, cả 2 phương án đấu giá quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương đều có những vướng mắc và không khả thi để thực hiện trong giai đoạn hiện nay. 

2 phương án không sử dụng hỗ trợ của Nhà nước

Tại văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT cũng đề xuất 2 phương án không sử dụng hỗ trợ của Nhà nước bằng quyền thu phí. Phương án 1 là điều chỉnh mức phí từ 1.500 đồng/xe con/km tăng tối đa đến 2.100 đồng/xe con/km; Nhà nước hỗ trợ kinh phí GPMB khoảng 932 tỷ đồng; thời gian thu phí hoàn vốn Dự án khoảng 18 năm. Phương án này thu hút được nhà đầu tư tham gia nhưng Nhà nước cần bố trí nguồn vốn 932 tỷ đồng cho công tác GPMB.

Phương án 2 là điều chỉnh mức phí từ 1.500 đồng/xe con/km tăng tối đa đến 2.100 đồng/xe con/km; không có hỗ trợ của Nhà nước (nhà đầu tư phải thu xếp 100% vốn đầu tư); thời gian thu phí Dự án khoảng 29 năm. Phương án này Bộ GTVT đánh giá khó hấp dẫn nhà đầu tư và ngân hàng, không khả thi về tài chính dự án do thời gian thu hồi vốn dài.

Từ đó, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục cho phép đầu tư Dự án Đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (hợp đồng BOT) nhưng không sử dụng hỗ trợ của Nhà nước bằng quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, mà Nhà nước bố trí nguồn vốn ngân sách khoảng 932 tỷ đồng để hỗ trợ kinh phí GPMB cho Dự án, đảm bảo tính khả thi tài chính và hấp dẫn được nhà đầu tư.

Chuyên đề