Dự án Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh: Cần giải pháp chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư

(BĐT) - Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Cao Bằng mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo UBND tỉnh Cao Bằng và UBND tỉnh Lạng Sơn với vai trò là cơ quan nhà nước có thẩm quyền có giải pháp hỗ trợ cho Dự án Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng và Đồng Đăng - Trà Lĩnh trong trường hợp doanh thu của các dự án khi đi vào vận hành chưa đạt kết quả theo phương án tài chính được phê duyệt để làm cơ sở đảm bảo cho các ngân hàng cấp tín dụng.
Các giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư sẽ tạo thêm niềm tin, sức hấp dẫn cho Dự án Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh nói riêng và các dự án PPP nói chung. Ảnh: Huyền Trang
Các giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư sẽ tạo thêm niềm tin, sức hấp dẫn cho Dự án Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh nói riêng và các dự án PPP nói chung. Ảnh: Huyền Trang

Chỉ đạo này của Thủ tướng Chính phủ có lẽ đã giải tỏa nhiều lo lắng về rủi ro cho nhà đầu tư khi theo đuổi tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.

Thực tế cho thấy, ở nhiều dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT, nhà đầu tư phải chịu nhiều rủi ro hơn vì luôn ở “thế dưới” trong đàm phán hợp đồng với cơ quan nhà nước. Theo kiến nghị của một số nhà đầu tư, khi bắt tay vào xây dựng, thực hiện các dự án PPP, Nhà nước nên lấy chủ thể là nhà đầu tư để phát hiện, nhận diện đầy đủ các rủi ro và có giải pháp giảm thiểu, chia sẻ rủi ro cho nhà đầu tư một cách khách quan, minh bạch. Đó cũng là cách giảm thiểu rủi ro, làm “yên lòng” các tổ chức tín dụng cấp vốn cho dự án PPP.

Tuyến đường bộ cao tốc từ Đồng Đăng đến Trà Lĩnh được Thủ tướng phê duyệt tháng 3/2016. Sau nhiều lần điều chỉnh phương án kỹ thuật, tuyến cao tốc này được thay đổi theo hướng kết nối vào tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, Cửa khẩu Tân Thanh và Cửa khẩu Cốc Nam với tổng chiều dài 115 km (rút ngắn 29 km so với quy hoạch trước đó là 144 km). Dự án được đề xuất với tổng vốn đầu tư 20.939 tỷ đồng, chiết giảm 55% chi phí so với dự kiến. Theo phương án đề xuất, giai đoạn 1 của Dự án từ Tân Thanh (Lạng Sơn) đến TP. Cao Bằng có chiều dài khoảng 80 km, dự kiến tổng vốn đầu tư là 10.000 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2019 đến năm 2022.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Cao Bằng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý điều chỉnh tiến độ đầu tư Dự án trong giai đoạn 2019 - 2025 theo đề nghị của tỉnh Cao Bằng. Thủ tướng cũng đồng ý phương án phân kỳ đầu tư và cơ cấu nguồn vốn như kiến nghị của tỉnh Cao Bằng (ngân sách trung ương hỗ trợ 20%, ngân sách địa phương hỗ trợ 20%, vốn của nhà đầu tư và vốn tín dụng là 60%). Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan đề xuất mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và giai đoạn sau năm 2020, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Về thu xếp vốn tín dụng cho Dự án Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là đầu mối cùng các ngân hàng khác tham gia (VietinBank, Agribank, MB Bank…) hoàn thành việc thu xếp tín dụng cho Dự án trong năm 2019.

Có thể nói, việc Nhà nước có các giải pháp hỗ trợ, chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư sẽ tạo thêm niềm tin, sức hấp dẫn cho Dự án Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh nói riêng và các dự án PPP nói chung.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một số nhà đầu tư dù tâm huyết với các dự án PPP vẫn băn khoăn khi nhiều rủi ro chưa được chia sẻ một cách công bằng, hợp lý. Trên thực tế, khi cân nhắc đầu tư các dự án PPP, sự quan ngại hầu như vẫn tập trung vào các rủi ro của nhà đầu tư.

Một số nhà đầu tư than phiền, thực tế triển khai các dự án PPP có rất nhiều rủi ro phát sinh đối với nhà đầu tư như việc phải chịu trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng sau khi dự án đưa vào khai thác, trong khi việc quản lý chất lượng dự án phụ thuộc rất nhiều vào công tác kiểm soát phương tiện, tải trọng, ý thức của người tham gia giao thông; rủi ro về giá vật tư nguyên liệu, định mức; rủi ro về phần vốn góp của Nhà nước trong dự án bố trí không đủ, không kịp thời làm ảnh hưởng đến tiến độ chung; rủi ro về thu phí liên quan đến sự thay đổi mức thu phí và lưu lượng…

Chuyên đề