Dự án BT tại Thanh Hóa: Lớn chỉ định thầu, nhỏ đấu thầu rộng rãi

(BĐT) - Tỉnh Thanh Hóa đã và đang thực hiện 9 dự án BT. Trong đó, có 4 dự án lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu rộng rãi. Tỷ lệ dự án BT đấu thầu rộng rãi của Thanh Hóa là lớn so với mặt bằng chung. Tuy nhiên, trong khi các dự án nhỏ đấu thầu rộng rãi thì những dự án lớn lại thưa thớt nhà đầu tư tham gia, dẫn đến phải chỉ định thầu.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Thanh Hóa, tháng 12/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng và phê duyệt Đề án Huy động thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2017 - 2020, gồm 81 dự án với tổng vốn đầu tư 41.500 tỷ đồng, trong đó có 60 dự án BT với tổng vốn đầu tư 25.635 tỷ đồng. Riêng năm 2018, trong kế hoạch thực hiện 13 dự án PPP, có 10 dự án dự kiến đầu tư theo hình thức BT. Để thu hút các nhà đầu tư, UBND Tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương rà soát và ưu tiên quỹ đất giá trị thương mại cao làm quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT.

Sở KH&ĐT Thanh Hóa cho biết, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 9 dự án BT đã và đang triển khai thực hiện với tổng vốn đầu tư 5.787 tỷ đồng. Trong đó, có 2 dự án đã cơ bản hoàn thành, 4 dự án đang thi công xây dựng công trình, 1 dự án đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư và đang đàm phán hợp đồng, 1 dự án đang tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, 1 dự án đang triển khai lập báo cáo nghiên cứu khả thi.

Về hình thức lựa chọn nhà đầu tư, 4 dự án giá trị dưới 100 tỷ đồng lựa chọn được nhà đầu tư thông qua đấu thầu rộng rãi. Cụ thể, Dự án Đầu tư xây dựng mới Trường THPT Chu Văn An và đầu tư hoàn chỉnh Trung tâm Thể dục thể thao huyện Nga Sơn (44,69 tỷ đồng); Dự án Kiên cố hóa kênh Hưng Long thị trấn Nga Sơn (76,12 tỷ đồng); Dự án Cầu qua sông nhà Lê thuộc tuyến đường vành đai Đông Tây, TP. Thanh Hóa (39,88 tỷ đồng); Dự án Đường từ Quốc lộ 47 đi Tỉnh lộ 517, huyện Đông Sơn (57,2 tỷ đồng).

4 dự án chỉ định thầu có giá trị lớn hơn rất nhiều, gồm Dự án Đường giao thông từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn - giai đoạn 1 (4.335 tỷ đồng); Dự án Trung tâm hành chính TP. Thanh Hóa (655,79 tỷ đồng); Dự án Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Thái miếu nhà Hậu Lê, tại phường Đông Vệ, TP. Thanh Hóa (267 tỷ đồng); Dự án Đường giao thông Thịnh Đông, huyện Hoằng Hóa - giai đoạn 1 (224,6 tỷ đồng).

Theo Sở KH&ĐT Thanh Hóa, Dự án Đường giao thông từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn (giai đoạn 1) - dự án BT có giá trị lớn nhất được thực hiện tại Thanh Hóa đến nay, chỉ định thầu do khi công bố danh mục dự án chỉ có 1 nhà đầu tư đăng ký. 3 dự án sau chỉ định thầu do sau khi tổ chức sơ tuyển quốc tế chỉ có một nhà đầu tư trúng sơ tuyển, dù quá trình sơ tuyển “đã đảm bảo tính công khai, minh bạch”.

Lý do chỉ định thầu của các dự án này như thông tin của Sở KH&ĐT Thanh Hóa là đúng quy định, quy trình. Tuy nhiên, trong khi Thanh Hóa khẳng định chủ trương sử dụng những quỹ đất có giá trị thương mại cao để đối ứng dự án BT, thì việc các nhà đầu tư vẫn không mặn mà tham gia các dự án BT trên là điều cần quan tâm. Bởi vì trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa vẫn còn rất nhiều dự án lớn dự kiến lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức BT, nếu sự thờ ơ còn tiếp diễn thì câu chuyện chỉ định thầu e rằng sẽ lặp lại.

Mới đây, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã công bố kết luận kiểm toán Dự án Đường giao thông từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn (giai đoạn 1). KTNN chỉ ra, sau khi điều chỉnh phương án phân kỳ đầu tư, quy mô, tổng mức đầu tư của giai đoạn 1 đã thay đổi so với phương án đã duyệt. Tuy nhiên, đơn vị chức năng không công bố lại danh mục dự án BT sau khi có quyết định phân kỳ đầu tư, vì thế đã làm hạn chế khả năng tham gia dự án của các nhà đầu tư có năng lực, dẫn đến giảm tính cạnh tranh trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư.

Chuyên đề