Dự án BT, BOT tại TP.HCM: Thấy gì từ việc chọn nhà đầu tư?

(BĐT) - Từ những thiếu sót, vi phạm mà Thanh tra Chính phủ (TTCP) chỉ ra sau khi thanh tra 6 dự án BT, BOT tại TP.HCM đã cho thấy, những khiếm khuyết của các dự án này bắt nguồn từ việc thiếu minh bạch trong lựa chọn nhà đầu tư nên nhà đầu tư được lựa chọn “kém chất lượng”, tạo ra nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng sau đó.
Thanh tra Chính phủ đã phát hiện nhiều sai phạm tại Dự án Xây dựng cầu Phú Mỹ. Ảnh: Lê Tiên
Thanh tra Chính phủ đã phát hiện nhiều sai phạm tại Dự án Xây dựng cầu Phú Mỹ. Ảnh: Lê Tiên

Công bố danh mục dự án rất “hình thức”

TTCP cho biết, TP.HCM là địa phương sớm áp dụng hoạt động đầu tư xây dựng theo hình thức hợp đồng BOT, BT. Trên địa bàn TP.HCM từ năm 2010 đến tháng 6/2015 có 13 dự án BOT, BT về lĩnh vực giao thông, môi trường với tổng giá trị 32.971 tỷ đồng. TTCP đã tiến hành thanh tra 6 dự án BT, BOT lĩnh vực giao thông gồm: Dự án Xây dựng cầu Phú Mỹ; Dự án Xây dựng đường kết nối vào cầu Phú Mỹ; Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A, đoạn An Sương - An Lạc; Dự án Xa lộ Hà Nội; Dự án Cầu Bình Triệu II; Dự án Xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu.

Qua thanh tra cho thấy, việc xây dựng và công bố danh mục dự án, lựa chọn nhà đầu tư có nhiều thiếu sót, vi phạm. Theo quy định, hàng năm căn cứ vào quy hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, UBND cấp tỉnh kiến nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) để trình Thủ tướng Chính phủ công bố hoặc tự công bố danh mục các dự án BOT theo thẩm quyền tổ chức lựa chọn nhà đầu tư đàm phán hợp đồng dự án. Tuy nhiên, UBND TP.HCM đã không thực hiện xây dựng danh mục dự án, không thực hiện công bố danh mục dự án hoặc thực hiện công bố danh mục dự án chậm. Riêng Dự án Xây dựng cầu Phú Mỹ, UBND TP.HCM còn không kiến nghị để đưa vào danh mục dự án công bố .

Đa số các dự án BT, BOT đều do nhà đầu tư tự đề xuất, theo quy định UBND TP.HCM cần bổ sung các dự án này vào danh mục dự án kêu gọi đầu tư, đăng tải công khai theo quy định để các nhà đầu tư khác được biết và tham gia. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, việc công bố này của TP.HCM được thực hiện rất chậm, làm mất cơ hội tham gia của nhiều nhà đầu tư khác. Chẳng hạn, Dự án Xây dựng cầu Phú Mỹ được thực hiện từ tháng 2/2007; Dự án Xây dựng đường kết nối vào cầu Phú Mỹ đã thực hiện từ tháng 3/2008; Dự án Mở rộng xa lộ Hà Nội khởi công từ 4/2010… nhưng đến ngày 1/4/2011, các dự án này mới được TP.HCM công bố danh mục đầu tư. Điều này cho thấy, việc công bố danh mục dự án đầu tư của TP.HCM rất hình thức, thực hiện kêu gọi đầu tư khi “sự đã rồi”.

TTCP khẳng định, các khuyết điểm, vi phạm trong xây dựng và công bố danh mục dự án, lựa chọn nhà đầu tư nói trên của UBND TP.HCM không phát huy được nguồn lực của xã hội, không tạo tính cạnh tranh giữa các nhà đầu tư, khó có thể xác định việc lựa chọn nhà đầu tư có năng lực tài chính và kinh nghiệm tốt nhất, không tạo sự công bằng cho các doanh nghiệp và tính hiệu quả của dự án khi triển khai. Trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm trên thuộc UBND TP.HCM, trực tiếp là Sở KH&ĐT và các cơ quan chuyên môn liên quan của Thành phố. 

Nhà đầu tư “kém chất lượng”!

Như một hệ lụy tất yếu của việc lựa chọn nhà đầu tư kém minh bạch, không theo quy trình, chỉ định nhà đầu tư không theo quy định của pháp luật nên trong quá trình triển khai, thực hiện hợp đồng sau đó, nhiều nhà đầu tư BT, BOT của TP.HCM đã bộc lộ tình trạng “kém chất lượng”.

TTCP cho biết, theo quy định, nhà đầu tư BOT phải gửi hồ sơ đến cơ quan nhà nước để xem xét năng lực tài chính, khả năng huy động vốn. Tuy nhiên, tại Dự án Xây dựng cầu Phú Mỹ, Liên danh nhà đầu tư là Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - Công ty Đầu tư và Phát triển xây dựng - Công ty Đầu tư và Phát triển hạ tầng kỹ thuật TP.HCM - Công ty CP Bê tông 620 Châu Thới - Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thanh Danh gửi hồ sơ đề xuất còn thiếu một số nội dung như phương án huy động vốn, chưa đủ giấy tờ cam kết của ngân hàng hoặc nhà cấp vốn khác để thực hiện dự án, thời gian cam kết cho vay không phù hợp với phương án tài chính... Tại thời điểm ký kết hợp đồng BOT này, trong phương án huy động vốn, phần vốn vay ngân hàng thì không có ngân hàng hoặc nhà cấp vốn cho vay phù hợp với phương án tài chính, vi phạm quy định tại Điều 9 Nghị định 77-CP ngày 18/6/1997 của Chính phủ.

Một ví dụ khác là Dự án BOT Xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu do Công ty CP Xi măng Hà Tiên làm nhà đầu tư. Dự án này không thành lập doanh nghiệp quản lý dự án mà Công ty thành lập Ban Quản lý dự án để quản lý Dự án trong thời gian xây dựng. Dự án khởi công ngày 6/6/2012 và dự kiến hoàn thành vào ngày 14/6/2014 nhưng trên thực tế, đến tháng 6/2017, dự án này vẫn chưa hoàn thành và quyết toán công trình. Hợp đồng BOT được ký ngày 4/5/2012 nhưng đến ngày 9/10/2013 mới có thông báo tài trợ dự án của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (tại thời điểm ký hợp đồng, nhà đầu tư chưa có cam kết và thỏa thuận bằng văn bản với các nhà cung cấp vốn, không huy động vốn phù hợp với tiến độ đầu tư ghi trong hợp đồng dự án...). Và theo Phụ lục 3 của hợp đồng này, nếu tính vốn vay với lãi suất 13,4% và chi phí sử dụng vốn 10%/năm thì sau 24 năm, dự án BOT nói trên sẽ không có khả năng hoàn vốn, lỗ hơn 344 tỷ đồng.

Chuyên đề