Dự án BOT Đường ven biển Thái Bình: Bái phục về tốc độ chấm thầu

(BĐT) - Dự án Đầu tư xây dựng công trình tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình theo hình thức hợp đồng BOT vừa có kết quả lựa chọn nhà đầu tư. Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phương Anh trúng thầu. Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư được ban hành chỉ sau 2 ngày kể từ thời điểm đóng thầu.
Dự án Đầu tư xây dựng công trình tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình có tổng mức đầu tư 3.872 tỷ đồng. Ảnh: Hưng Trần
Dự án Đầu tư xây dựng công trình tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình có tổng mức đầu tư 3.872 tỷ đồng. Ảnh: Hưng Trần

Dự án Đầu tư xây dựng công trình tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình có tổng mức đầu tư 3.872 tỷ đồng. Toàn tuyến có tổng chiều dài 35,5 km, điểm đầu tại Km9+00, giao với Quốc lộ 37 mới tại Km2+384,15; điểm cuối tại Km44+500, vận tốc thiết kế 80 km/h, đấu nối với đường đầu cầu vượt sông Hồng tại xã Nam Phú, huyện Tiền Hải. Trong phạm vi Dự án còn hạng mục xây dựng cầu vượt sông Hồng dài khoảng 2,195 km đấu nối vào tuyến đường bộ ven biển tỉnh Nam Định.

Theo UBND tỉnh Thái Bình, đây là dự án có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh Thái Bình, kết nối giao thông hành lang ven biển Bắc Bộ, mở rộng quỹ đất cho đầu tư sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên biển, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương có tuyến đường đi qua; tạo thuận lợi trong xử lý các tình huống cứu hộ, cứu nạn và ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu và tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh khu vực ven biển.

Cuối tháng 10/2018, kết quả sơ tuyển Dự án được công bố với 2 nhà đầu tư trong danh sách ngắn gồm: Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành (gọi tắt là Phương Thành) và Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phương Anh (gọi tắt là Phương Anh). Với kết quả này, có lẽ đây là dự án BOT nghìn tỷ đầu tiên có 2 nhà đầu tư trúng sơ tuyển và lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu rộng rãi.

Phương Anh và Phương Thành là hai nhà thầu xây lắp, nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, với nhiều công trình trăm tỷ, nghìn tỷ đồng đã thi công. Hai cái tên lớn trong danh sách ngắn đặt ra kỳ vọng cuộc đua có được dự án BOT nghìn tỷ tại Thái Bình trở nên hấp dẫn hơn.

Ngày 10/12/2018, thông báo mời thầu Dự án được bên mời thầu là Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Bình đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Hồ sơ mời thầu được phát hành từ 9 giờ ngày 13/12/2018 đến 9 giờ ngày 11/2/2019, mở thầu vào 10 giờ ngày 11/2/2019. Một cán bộ của Ban QLDA cho biết, đến thời điểm đóng thầu, cả Phương Thành và Phương Anh đều nộp hồ sơ dự thầu (HSDT).

Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư được Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Đặng Trọng Thăng ký ban hành ngày 13/2/2019. Theo Quyết định, Phương Anh được lựa chọn là nhà đầu tư thực hiện Dự án. Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2018 - 2021, thời gian thu phí hoàn vốn là 23 năm 3 tháng. Về cơ cấu nguồn vốn, vốn ngân sách trung ương là 1.100 tỷ đồng (đã bao gồm 10% dự phòng); vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác là 1.593 tỷ đồng; vốn của nhà đầu tư là 1.291 tỷ đồng.

Như vậy, chỉ sau 2 ngày kể từ thời điểm đóng thầu, dự án BOT gần 3.900 tỷ đồng này đã hoàn tất các bước để lựa chọn được nhà đầu tư như đánh giá HSDT, trình thẩm định kết quả lựa chọn nhà đầu tư, trình phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư, ký phê duyệt kết quả, và ngay ngày 14/2/2019 đã công bố kết quả trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Đáng chú ý, hợp đồng Dự án cũng đã được ký ngay trong ngày 13/2/2019.

Về thời gian đánh giá “thần tốc” này, chúng tôi nhận được nhiều quan điểm khác nhau từ giới chuyên môn. Trong đó, có ý kiến tỏ ra “kính nể” vì không hiểu bằng cách gì mà có thể hoàn tất khối lượng công việc khổng lồ và phức tạp trong thời gian ngắn như vậy.

Một luật sư của hãng luật lớn chuyên tư vấn các dự án PPP chia sẻ, đối với dự án BOT lớn, thì việc đánh giá HSDT, thương thảo hợp đồng là khá phức tạp, đòi hỏi cẩn trọng, chất lượng để hạn chế những rủi ro có thể phát sinh vì hợp đồng dự án BOT có thời gian dài.

Đây là một trong các dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn, có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Bình. Dư luận đang trông đợi nhà đầu tư triển khai dự án đúng tiến độ đảm bảo chất lượng và sự phù hợp trong thời gian thu phí của Dự án. 

Chuyên đề