Đồng USD mạnh lên, thu hút FDI, xuất khẩu chịu áp lực

(BĐT) - Việc đồng USD mạnh lên và có thể tiếp diễn xu hướng này trong năm sau sẽ có những tác động nhất định đến nền kinh tế Việt Nam, nhất là với xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài, cả trực tiếp và gián tiếp. Trong bối cảnh này, tỷ giá như thế nào là phù hợp để có lợi cho nền kinh tế?
Chính sách điều hành tỷ giá cần linh hoạt để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu. Ảnh: Lê Tiên
Chính sách điều hành tỷ giá cần linh hoạt để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu. Ảnh: Lê Tiên

Thu hút đầu tư, xuất khẩu sẽ chịu nhiều áp lực

Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Khối Phân tích và Tư vấn đầu tư của Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt, một trong những đóng góp lớn vào nguồn cung ngoại tệ là vốn FDI. Năm nay giải ngân FDI đạt kết quả tốt, một trong những nguyên nhân do các nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng vào việc Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, khả năng TPP không được thông qua cùng với việc giá USD tăng mạnh sẽ ảnh hưởng đến luồng vốn FDI vào Việt Nam. Giải ngân FDI năm sau dự báo sẽ không còn đà tăng nữa.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, cũng nhận định, việc ổn định tỷ giá trong bối cảnh đồng USD mạnh lên ở một mặt nào đó đang tạo ra một số bất lợi. Nhà đầu tư nước ngoài có USD khi đầu tư vào Việt Nam phải đổi ra tiền VND để đầu tư, tỷ giá USD so với VND tăng có lợi cho nhà đầu tư. Với chính sách điều hành tỷ giá hiện nay, đồng USD mạnh lên có thể khiến thu hút FDI năm sau chậm lại, và xu hướng nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi thị trường chứng khoán có thể tiếp tục, nhất là khi TPP khó thành hiện thực.

Theo ông Hiếu, xuất khẩu của Việt Nam cũng sẽ bị tác động. Các đồng bản tệ khác của nhiều đối thủ cạnh tranh với Việt Nam về xuất khẩu đang mất giá so với đồng USD để tạo sự cạnh tranh cho hàng hóa của họ. Đặc biệt, đồng Nhân dân tệ, là một đồng tiền ảnh hưởng rất lớn đến VND từ đầu năm đến giờ đã phá giá từ 7 - 8%. Tuy nhiên, với chính sách giữ ổn định tỷ giá, không để VND mất giá quá nhiều, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ khó cạnh tranh hơn.

Tỷ giá cần bám sát thị trường hơn

Tỷ giá và nợ công là hai vấn đề cần tách bạch, không thể vì nợ công mà giữ tỷ giá, mà phải giải quyết từ chính những nguyên nhân dẫn đến nợ công tăng.
Theo nhiều chuyên gia, năm nay, điều hành tỷ giá có nhiều thuận lợi. Xét về yếu tố thị trường, nguồn cung ngoại tệ tương đối dồi dào. Việc đưa lãi suất USD về 0% làm giảm việc găm giữ ngoại tệ. Thị trường ở trạng thái dư thừa ngoại tệ. Đến thời điểm này, theo ông Nguyễn Xuân Bình, nếu xét yếu tố trong nước thì cán cân thanh toán hiện tại vẫn đang thặng dư, dự trữ ngoại hối khá ổn.

Tuy nhiên, trong thời gian tới và năm 2017, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tỷ giá sẽ chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài và từ nội bộ nền kinh tế. Từ phía ngoài, việc FED tăng lãi suất ngày 15/12 vừa qua làm tăng giá trị đồng USD, và năm tới nếu FED thực sự nâng lãi suất 3 lần trong năm 2017, việc điều hành tỷ giá sẽ khó khăn hơn.

Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Xuân Bình, cuối năm 2015, FED từng tuyên bố sẽ nâng lãi suất 4 lần trong năm nay và thực tế chỉ nâng 1 lần. Với phong cách điều hành thận trọng của FED, việc nâng lãi suất 3 lần trong năm 2017 vẫn chưa có gì chắc chắn và sẽ phụ thuộc nhiều vào biến động kinh tế Mỹ.

Trong nội bộ nền kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, từ nay đến cuối năm và sang tháng đầu năm sau nhu cầu về nhập khẩu hàng hóa, thanh toán quốc tế rất cao, dẫn đến nhu cầu ngoại tệ tăng nhanh. Ngoài ra, khi đồng USD mạnh lên có thể tạo ra khuynh hướng rút tiền đồng để mua USD, tạo áp lực tỷ giá.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, năm nay, chính sách điều hành theo tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước đã thành công trong vấn đề ổn định tỷ giá. Nhưng hiện nay, thị trường thế giới biến động rất nhiều, việc giữ ổn định tỷ giá trong thời điểm này chưa chắc có lợi cho Việt Nam. Theo ông Hiếu, vẫn điều hành theo tỷ giá trung tâm, nhưng phải có điều chỉnh linh hoạt, tăng dần theo thị trường.  “Giữ tỷ giá ở mức ổn định như thế này thì bất lợi cho nền kinh tế, không phù hợp với cung - cầu của thị trường. Thu hút đầu tư, xuất khẩu sẽ thuận lợi hơn nếu điều chỉnh tỷ giá nhích dần lên theo tín hiệu thị trường”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Ông Nguyễn Xuân Bình cũng cho rằng, tỷ giá nên linh hoạt theo thị trường. Đúng là tỷ giá tăng có thể tác động đến một số yếu tố kinh tế vĩ mô, đặc biệt là nợ công. Tuy nhiên, tỷ giá và nợ công là hai vấn đề cần tách bạch, không thể vì nợ công mà giữ tỷ giá, mà phải giải quyết từ chính những nguyên nhân dẫn đến nợ công tăng.

Chuyên đề