Đồng Nai: Vướng đền bù giải tỏa, nhiều khu công nghiệp “kêu trời”

BĐT- Trong 32 khu công nghiệp (KCN) hiện hữu tại tỉnh Đồng Nai, hiện có nhiều KCN vướng vào chuyện đền bù giải tỏa đã lâu nhưng chưa giải quyết xong, khiến cho nhiều chủ đầu tư KCN “kêu trời”.
Các khu công nghiệp ở Đồng Nai có diện tích đất đã cho thuê khá cao, đạt tỷ lệ trên 72,71%. Ảnh: Nhã Chi
Các khu công nghiệp ở Đồng Nai có diện tích đất đã cho thuê khá cao, đạt tỷ lệ trên 72,71%. Ảnh: Nhã Chi

Khó khăn chồng chất

KCN Amata  giai đoạn 1, 2, 3 tọa lạc tại thành phố Biên Hòa với diện tích đất tự nhiên 513,01 ha, đất công nghiệp có thể cho thuê 341,98 ha, hiện đã cho thuê được 287,72 ha, tương đương 84,16% tỷ lệ lấp đầy là một con số khá lý tưởng. Tuy nhiên, ở giai đoạn 2E với diện tích 54,90 ha, chủ đầu tư KCN này mới nhận bàn giao được chỉ 29,62 ha, diện tích 25,28 ha còn lại coi như... vẫn nằm trên giấy.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo Công ty TNHH Amata (Việt Nam), chủ đầu tư của dự án này, là một phần đang trong giai đoạn tiến hành kiểm kê, áp giá bồi thường, phần còn lại tuy đã có phương án bồi thường, Công ty đã chuyển tiền xong nhưng chưa nhận bàn giao do người dân lấn chiếm, xây dựng trái phép. Chưa hết, ở giai đoạn 3A, diện tích 64 ha đã hoàn tất xác định nguồn gốc đất và đã được Trung tâm Phát triển Quỹ đất thành phố Biên Hòa áp giá bồi thường, tuy nhiên các hộ dân lại chưa bàn giao với lý do xin được hỗ trợ thêm tiền bồi thường đất!

Tương tự, KCN Sông Mây giai đoạn 1 với diện tích 250,21 ha, thành lập từ năm 1998, hiện còn vướng 43,718 ha từ năm 2009 đến nay chưa hoàn tất phương án bồi thường, giải tỏa để bàn giao đất thực hiện dự án. Thời gian qua, Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Trảng Bom tiến hành kiểm kê đất đai, tài sản trên đất và lập phương án bồi thường nhưng đến nay mới thực hiện xong khoảng 11,0 ha. Chưa hết, ở giai đoạn 2 với diện tích 223,74 ha, hiện 58,19 ha thuộc huyện Vĩnh Cửu bồi thường được 53,54 ha, còn 4,57 ha đang “dậm chân tại chỗ”; phần 165 ha nằm trên địa bàn huyện Trảng Bom cũng chỉ mới bồi thường được 70 ha.

Trớ trêu cũng không kém là ở KCN Thạnh Phú, tọa lạc tại huyện Vĩnh Cửu, với diện tích 177,2 ha. Theo Công ty Cổ phần Công trình Giao thông Đồng Nai, chủ đầu tư của KCN này, một số lô đất trên các trục đường theo quy hoạch đến nay chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, các thửa đất đã chi trả nằm phân tán không thể tiến hành thi công hạ tầng. Trong khi đó, một số hộ dân thuộc các thửa đất tại các vị trí đầu tư hạ tầng quan trọng không đồng ý nhận tiền và khiếu kiện, gây khó khăn trong công tác xây dựng hoàn thiện hạ tầng KCN. Đến nay, diện tích đất đã cho thuê của KCN này mới chỉ hơn phân nửa, tương đương với 62,80 ha. Ngoài 3 KCN nói trên, hiện các KCN còn lại như Tam Phước, Hố Nai, Long Thành, Bàu Xéo ít nhiều cũng nằm trong hoàn cảnh tương tự. 

Từng bước tháo gỡ

Ông Cao Tiến Sỹ, Trưởng ban Ban quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai cho biết, tính đến nay, toàn tỉnh Đồng Nai có 32 KCN được thành lập, với tổng diện tích đất 9.969,69 ha. Điều đáng lưu ý, hiện các KCN ở Đồng Nai có diện tích đất đã cho thuê khá cao, đạt tỷ lệ trên 72,71% diện tích đất công nghiệp dành cho thuê. Mặc dù trong năm 2015, diện tích đất công nghiệp cho thuê đạt trên 377,79 ha, vượt kế hoạch đề ra của cả năm là 100 ha, nhưng những vướng mắc trong đền bù vẫn ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình thu hút đầu tư chung.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đấu thầu, những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng không những gây khó khăn trong việc cho các nhà đầu tư thứ cấp thuê đất để triển khai dự án, mà còn làm cho nhiều KCN rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan khi phần đất đền bù chưa xong dính trong phần quy hoạch hạ tầng kỹ thuật như giao thông, thoát nước, cấp điện, cấp nước, xử lý nước thải của KCN. Mà một khi những KCN chưa hoàn thiện những hạng mục này thì nhà đầu tư coi như không mấy mặn mà.

Bên cạnh đó, theo phản hồi từ một số chủ đầu tư hạ tầng các KCN, ngoài khó khăn nêu trên, việc áp dụng theo đơn giá thuê đất quy định tại Nghị định số 142/2005/NĐ-CP và Nghị định số 121/2010/NĐ-CP của Chính phủ với mức chênh lệch giá thuê đất tăng rất nhiều lần so với đơn giá đã ký với Nhà nước lần liền kề trước đó khiến họ thực sự bế tắc. Trong khi đó, đơn giá đã ký hợp đồng cho thuê lại đất đối với các nhà đầu tư hầu hết là đơn giá cố định cho suốt thời gian thuê hoặc tăng không quá 15% so với lần trước đó. Khó khăn này chưa giải quyết xong nay áp dụng Luật Đất đai 2013, khiến tình hình càng thêm rối.

“Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, các công ty hạ tầng KCN phải nộp tiền thuê đất một lần cho Nhà nước đối với diện tích đất trước đây đã cho nhà đầu tư thuê lại thu tiền một lần. Việc này gây nhiều khó khăn cho các công ty hạ tầng KCN vì chúng tôi không đủ tiền nộp một lần và không biết trả theo đơn giá nào”, một chủ đầu tư hạ tầng giấu tên, chia sẻ.

Trước những khó khăn này, Ban quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai cho biết, trong năm 2016, sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất để UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ về lộ trình thu tiền thuê đất một lần đối với phần diện tích công ty hạ tầng KCN đã thu một lần. Trường hợp phải nộp tiền thuê lại đất theo Khoản 2 Điều 210 Luật Đất đai 2013, kiến nghị Chính phủ có hướng dẫn cụ thể đối với hợp đồng phát sinh trước và sau ngày 01/01/2006, tính toán xác định đơn giá hợp lý đối với tiền thuê đất phải nộp một lần cho Nhà nước và các khoản được giảm trừ như chi phí đền bù giải phòng mặt bằng vào tiền thuê đất phải nộp một lần cho Nhà nước.

Chuyên đề