Đồng bằng sông Cửu Long gọi vốn đầu tư

(BĐT) - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thủy sản, nông sản của cả nước và có thế mạnh để phát triển du lịch sinh thái, văn hóa. Tuy nhiên, để có thể khai thác hết tiềm năng, Vùng cần một nguồn vốn đầu tư rất lớn.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Hội nghị Hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch giữa ĐBSCL với TP. Hà Nội và các tỉnh phía Bắc là cơ hội để mời gọi, thu hút được nguồn lực để phục vụ nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL. 

Thiếu vốn trung và dài hạn

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ngành ngân hàng trong những năm qua đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) vùng ĐBSCL phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ và du lịch.

Theo đó, NHNN cùng hệ thống tổ chức tín dụng đã triển khai chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp để tăng khả năng tiếp cận vốn cho khách hàng; thực hiện chương trình tín dụng xanh với việc xem xét, cấp tín dụng cho các dự án đầu tư trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thủy hải sản theo tiêu chí “xanh” bảo vệ môi trường, nông nghiệp xanh, du lịch xanh.

Ngoài ra, ngành ngân hàng còn thực hiện chính sách giảm lãi suất cho vay thông qua quy định trần lãi suất vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam đối với một số lĩnh vực ưu tiên; thực hiện chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Song, thực tế cho thấy, nguồn vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn chỉ đáp ứng được khoảng 80% nhu cầu vốn, đặc biệt là nhu cầu vốn trung và dài hạn lớn và thường xuyên đang là áp lực lớn cho các DN khi thực hiện các dự án đầu tư tại Vùng.

Vươn rộng ra thị trường phía Bắc

Nguồn vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn chỉ đáp ứng được khoảng 80% nhu cầu vốn, đặc biệt là nhu cầu vốn trung và dài hạn lớn và thường xuyên đang là áp lực lớn cho các DN khi thực hiện các dự án đầu tư tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Từ năm 2013 đến nay, TP. Hà Nội đã bắt đầu những hoạt động hợp tác, phối hợp với một số tỉnh, thành khu vực ĐBSCL nhằm giới thiệu những sản phẩm chủ lực của địa phương tới các DN phân phối của TP. Hà Nội. Nhờ đó, hơn 100 dòng sản phẩm nông sản của ĐBSCL đã có mặt tại thị trường Hà Nội và được người tiêu dùng đánh giá cao.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2011 - 2015, ngành du lịch Hà Nội cũng đã ký kết hợp tác phát triển du lịch với một số địa phương vùng ĐBSCL với các nội dung liên kết xây dựng sản phẩm, kết nối tour, tuyến, quảng bá xúc tiến du lịch giữa các bên, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực…

Thời gian tới, Hà Nội định hướng sẽ tích cực phối hợp cùng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và các đơn vị liên quan tổ chức các hội nghị hợp tác, xúc tiến thương mại, du lịch. Ngoài ra, sẽ thực hiện ký kết một số hợp tác giữa DN Hà Nội và các địa phương nhằm đẩy mạnh việc tiêu thụ hàng hóa nông sản của vùng ĐBSCL tại TP. Hà Nội nói riêng, các tỉnh phía Bắc nói chung.

Ngoài ra, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu, vùng ĐBSCL cũng như nhiều vùng kinh tế trên cả nước đang gặp khó khăn, vướng mắc liên quan đến hạ tầng giao thông, làm giảm khả năng kết nối các địa phương trong vùng cũng như khu vực lân cận. Hiện ĐBSCL có một số dự án lớn mời gọi các nhà đầu tư phát triển lĩnh vực hạ tầng, kết nối giao thông vùng như Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai; Khu kinh tế cửa khẩu Long An (quốc tế); Tuyến nối Quốc lộ 91 với đường Nam Sông Hậu; Mở rộng Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười; Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Thuận Yên; Chế biến gạo xuất khẩu gắn với vùng lúa chất lượng cao. Đây cũng là cơ hội cho các DN Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung hiện thực hóa các cơ hội đầu tư.

Chuyên đề