Đón sóng FDI vào kết cấu hạ tầng

(BĐT) - Nếu không hướng được đến nhà đầu tư và tổ chức tín dụng nước ngoài, rất nhiều dự án kết cấu hạ tầng lớn triển khai theo mô hình PPP trong thời gian tới sẽ khó có thể thành hiện thực. 
Nhà đầu tư ngoại vẫn chưa yên tâm rót vốn vào các dự án PPP hạ tầng vì những bất cập về cơ chế. Ảnh: Lê Tiên
Nhà đầu tư ngoại vẫn chưa yên tâm rót vốn vào các dự án PPP hạ tầng vì những bất cập về cơ chế. Ảnh: Lê Tiên

Nguồn vốn đầu tư nước ngoài đang đổ vào Việt Nam và làn sóng đó còn tiếp diễn. Việc Việt Nam khởi động xây dựng Luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) là một tín hiệu tốt, tạo niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài.

Nút thắt nguồn vốn

Các dự án kết cấu hạ tầng, dịch vụ công đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn. Chỉ riêng 8 dự án thành phần đầu tư theo hình thức BOT thuộc Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 104.079 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước 40.362 tỷ đồng, cần kêu gọi 60.000 tỷ đồng từ khu vực tư nhân. Theo Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước, nguồn lực trong nước cho các dự án BOT này là rất khó khăn.

Để tháo nút thắt cho các dự án BOT cao tốc Bắc - Nam phía Đông nói riêng, dự án kết cấu hạ tầng nói chung tại Việt Nam trong thời gian tới, cần hướng đến dòng vốn từ các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng quốc tế.

Dòng vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2017 vào Việt Nam đạt kỷ lục. TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhận định, đến năm 2022, 2023, Việt Nam sẽ vẫn là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cũng dự báo đang có một làn sóng đầu tư mới dịch chuyển về Việt Nam. Thế nhưng từ khi triển khai Nghị định 108, Quyết định 71, Nghị định 15 đến nay vẫn chưa thu hút được nhà đầu tư nước ngoài nào đầu tư vào kết cấu hạ tầng tại Việt Nam theo hình thức PPP. Không phải dự án hạ tầng của Việt Nam không đủ sức hấp dẫn, mà vướng mắc chủ yếu vẫn là cơ chế chưa làm cho nhà đầu tư yên tâm rót vốn vào những dự án lớn, thời gian hoàn vốn dài tại Việt Nam.

Ví dụ như quy định về vai trò, trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư còn thiếu, chưa cụ thể về cơ chế chia sẻ rủi ro, giải quyết tranh chấp giữa các bên tham gia thực hiện dự án. Hầu hết các dự án BOT, BT được kiểm toán đều áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn nhà đầu tư, dẫn đến làm giảm sự cạnh tranh, minh bạch, không thu hút được nhà đầu tư nước ngoài ngay từ bước đấu thầu.

Trong khi các tổ chức tín dụng trong nước đang vướng trần cho vay trung, dài hạn, thì nguồn vốn tín dụng thương mại nước ngoài có nguồn cung vốn và thời hạn vay tốt hơn so với mặt bằng trong nước. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai các dự án PPP hạ tầng lớn, quan trọng trong lĩnh vực năng lượng và giao thông trong thời gian qua cho thấy các tổ chức tín dụng nước ngoài đều yêu cầu các cơ chế bảo lãnh rủi ro về lưu lượng, doanh thu, chuyển đổi ngoại tệ, quy hoạch… Đáng tiếc, cơ chế, chính sách và nguồn lực để bảo lãnh các rủi ro nêu trên vẫn chưa sẵn sàng. 

Chưa nói đến chuyện dự án PPP đang trong cảnh một cổ hàng chục “tròng luật”, vì khung pháp lý về PPP mới chỉ dừng ở tầm Nghị định, nên phải chịu sự điều chỉnh của rất nhiều luật liên quan, như Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Đất đai, Luật Quản lý nợ công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Bảo vệ môi trường… Vướng mắc này khiến dự án khó triển khai hiệu quả và không đủ để đảm bảo niềm tin của nhà đầu tư. 

Chờ đợi vào khung pháp lý đủ mạnh về PPP

Nhằm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, các giải pháp thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đã được đề ra, trong đó bao gồm việc hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, kể cả đầu tư nước ngoài, đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng bằng nhiều hình thức, nhất là PPP, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Theo Bộ KH&ĐT, việc xây dựng được khung pháp lý cao, thống nhất, đồng bộ, hạn chế rủi ro về mặt thay đổi chính sách là một trong những điều kiện quan trọng để thu hút được các nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào các dự án PPP. Vệc xây dựng Luật PPP sẽ thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về thu hút nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân vào phát triển kết cấu hạ tầng quốc gia; nâng cấp các quy định tại Nghị định hiện hành nhằm nâng cao cơ sở pháp lý của các quy định, xử lý các nội dung chồng chéo giữa các luật và bổ sung các quy định còn thiếu. Luật cũng sẽ tạo dựng môi trường đầu tư theo hình thức PPP với cơ sở pháp lý cao; nâng cao hiệu quả đầu tư theo hình thức PPP, gắn với trách nhiệm của các bên liên quan.

Theo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật PPP đã được Bộ KH&ĐT gửi Bộ Tư pháp thẩm định, định hướng xây dựng Luật sẽ tính đến các cơ chế để vừa bảo đảm hiệu quả quản lý, vừa tăng tính hấp dẫn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ví dụ sẽ cụ thể hóa quy định về việc chuẩn bị đầu tư dự án PPP để bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên, đặc biệt là các nội dung về phân tách trách nhiệm của các bên trong hợp đồng và cơ chế chia sẻ rủi ro, từ đó cân bằng lợi ích giữa các bên liên quan tham gia dự án. Hay xem xét, nghiên cứu các chính sách hỗ trợ đặc thù cho dự án PPP, như thiết lập Quỹ bù đắp thiếu hụt tài chính, áp dụng bảo lãnh doanh thu tối thiểu (hoặc bảo đảm lưu lượng); bảo đảm ngoại tệ; bảo đảm rủi ro về chính sách, chính trị...

Chuyên đề