Doanh nghiệp Việt chăm đầu tư công nghệ, quên làm thương Hiệu

(BĐT) - Nhiều công nghệ mới đã được các doanh nghiệp, nhà thầu Việt ồ ạt “nhập khẩu”, nhưng trái lại, việc đầu tư xây dựng và phát triển hình ảnh thương hiệu của mình lại đang bị họ lãng quên.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Nhu cầu lớn về thiết bị

Trang bị và đổi mới công nghệ, thiết bị đang là nhu cầu tất yếu của nhiều doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt. Nhất là đối với nhà thầu, khi phải kê khai phương tiện thi công, xuất xứ và số lượng máy móc trong hồ sơ dự thầu. Nếu với DN, nhà thầu nhỏ, việc trang bị máy xúc, máy lăn, xe tải nhỏ chỉ khoảng vài tỷ đồng thì với những DN lớn, chi phí này gấp cả chục, thậm chí cả trăm lần.

Nắm bắt được nhu cầu trên, trong 2 năm qua (2014 - 2015), thông qua gần 60 cuộc triển lãm quốc tế, nhiều công ty sản xuất thiết bị nước ngoài tên tuổi đã nhanh chóng thâm nhập thị trường Việt Nam. Gần nhất, Triển lãm ContechMining 2015 diễn ra tại Hà Nội đã ghi nhận sự tham gia trưng bày của nhiều phương tiên, thiết bị hiện đại phục vụ ngành xây dựng, khai thác, công trình điện của hàng loạt công ty đến từ Đức, Hàn Quốc, Ấn Độ... như: DKSH Technology (xe lu rung và gầu nghiền đá), Havimex (khoan thuỷ lực, búa phá đá, vật tư khoan), JD Power (thiết bị nâng); các sản phẩm tủ điện, đèn ngoài trời cho công trình; máy phát điện...

Đặc biệt, sau Triển lãm Vietbuild 2015 diễn ra tháng 10/2015 tại Cần Thơ, đã có hơn 2.400 hợp đồng kinh tế được ký kết chủ yếu trong lĩnh vực hợp tác, mua bán thiết bị. Nhiều DN nước ngoài sau các cuộc triển lãm cũng đã nhanh chân mở Văn phòng đại diện, hoặc tìm đại lý tại thị trường Việt Nam. 

Cứ làm tốt là tự nổi tiếng?

Trái với sự quan tâm trong đầu tư mua sắm trang thiết bị, tư duy cho công tác thương hiệu thời gian qua của nhiều DN, nhà thầu Việt đang bị đánh giá là yếu. Chưa có thống kê về số tiền cụ thể mà các DN, nhà thầu bỏ ra làm thương hiệu mỗi năm, nhưng qua khảo sát một số DN, nhà thầu cho thấy, trong kế hoạch maketing, chi phí dành cho thương hiệu là rất ít, chỉ chiếm khoảng 10% tổng chi phí maketing của các DN.

Nhiều DN, nhà thầu đều chung quan điểm, cứ làm tốt là tự nổi tiếng. Điều này đúng nhưng có lẽ chưa đủ, bởi nếu như bên cạnh hoạt động tốt, DN, nhà thầu biết khuyếch trương những thành quả đạt được, chắc chắn họ sẽ thu được nhiều lợi ích lớn, góp phần mở rộng thị trường cho DN và chống cạnh tranh không lành mạnh.

Ông Lê Đức Lượng, Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển Media Việt Nam cho rằng, DN muốn phát triển bền vững thì việc xây dựng hình ảnh thương hiệu cũng rất quan trọng. Thương hiệu không đơn thuần là dấu hiệu để nhận biết sản phẩm của DN, mà cao hơn nhiều đó còn là uy tín của DN.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam Đinh Quang Ngữ thì xây dựng thương hiệu chính là tạo dựng uy tín của DN với thị trường. Một thương hiệu thành công, được biết đến và mến mộ sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho DN. Có được thương hiệu nổi tiếng, DN sẽ dễ hút nhà đầu tư hơn, bạn hàng cũng sẵn sàng hợp tác kinh doanh hơn.

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay, các chuyên gia về truyền thông khuyến cáo, các DN khi xây dựng chiến lược đầu tư cần gắn liền với chiến lược phát triển thương hiệu. DN cũng cần lập kế hoạch quảng bá thương hiệu ngay khi có thể, không chờ đến đầu năm tài chính. Các hãng quảng cáo, cơ quan truyền thông, báo chí đều sẵn lòng hỗ trợ doanh nghiệp trong công việc quan trọng này.

Chuyên đề