Doanh nghiệp vận tải biển sợ “đuối” như Hanjin

(BĐT) - Tình trạng cung vượt cầu, giá cước sụt giảm thê thảm, thu không đủ bù chi, thua lỗ triền miên khiến nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải biển trong nước lo ngại rơi vào cảnh “chết đuối” sau khi Hanjin Shipping - hãng vận tải biển lớn nhất Hàn Quốc và lớn thứ 7 trên thế giới - tuyên bố phá sản. 
Các hãng tàu biển đã và đang đua nhau hạ giá cước để giành khách hàng. Ảnh:Tiên Giang
Các hãng tàu biển đã và đang đua nhau hạ giá cước để giành khách hàng. Ảnh:Tiên Giang

Đua nhau báo lỗ

Mới đây, giải trình kết quả sản xuất kinh doanh tại báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2016, Công ty CP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (Vitranschart JSC) cho biết, lợi nhuận sau thuế đã âm 78,5 tỷ đồng. Cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế của công ty này đã âm hơn 105,2 tỷ đồng.

Tương tự như vậy, do khó khăn kéo dài của thị trường vận tải biển, báo cáo tài chính gần đây của Công ty CP Vận tải Biển Bắc (Nosco) cho thấy, trong 2 quý đầu năm 2016 Công ty kinh doanh thua lỗ, chỉ đạt tổng doanh thu 83,8 tỷ đồng, giảm gần 20% so với cùng kỳ 2015, lợi nhuận sau thuế âm gần 209 tỷ đồng. Cổ đông chính của Nosco là Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), hiện đang nắm giữ 49% cổ phần.

Về phía Vinalines, báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước công bố hồi tháng 7/2016 về tình hình tài chính các tập đoàn, tổng công ty nhà nước năm 2014 cũng cho thấy Vinalines lỗ 3.478,48 tỷ đồng. Chỉ tính riêng các công ty con của Vinalines trong lĩnh vực vận tải biển đã âm vốn hàng ngàn tỷ đồng, như Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn dương Vinashin, Vận tải Biển Đông, Công ty CP Vận tải Biển Bắc, Công ty CP Vận tải Dầu khí Việt Nam, Công ty CP Vận tải biển và Hợp tác lao động quốc tế... 

Không khá gì hơn, lợi nhuận quý II/2016 (được cho là giai đoạn khó của ngành vận tải biển) của Công ty CP Vận tải biển Việt Nam (Vosco) âm hơn 80 tỷ đồng. Đây là quý thứ 6 liên tiếp Vosco có kết quả kinh doanh thua lỗ. Tương tự, Công ty CP Vận tải biển Vinaship cũng có khoản lỗ ròng 21 tỷ đồng. Cùng kỳ năm trước công ty này lỗ gần 20 tỷ đồng.

Xoay trở trong thế khó

Nhìn từ vụ “chết đuối” của hãng tàu Hanjin (nửa đầu năm nay Hanjin đã lỗ ròng 423 triệu USD), ông Phạm Quốc Long cho rằng, đây là hồi chuông cảnh báo về tình trạng thị trường vận tải biển suy giảm quá sâu. 
Trao đổi xoay quanh tình trạng nêu trên, nhất là sau tuyên bố phá sản của hãng tàu Hanjin (chiếm khoảng 5% thị phần vận tải biển tại Việt Nam), ông Phạm Quốc Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đại lý và Môi giới hàng hải Việt Nam (VISABA) cho rằng, đây là khó khăn chung của ngành vận tải biển và đã kéo dài 3 - 4 năm nay khi cung vượt cầu, có quá nhiều tàu biển nên dư thừa công suất khiến các hãng tàu cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Trong khi đó, theo ông Long, giá cước vận tải biển đã giảm đến mức báo động. Để có hàng vận chuyển, nhiều hãng tàu đã cạnh tranh bằng cách liên tục hạ giá. Tình cảnh này về lâu về dài sẽ bào mòn lợi nhuận và tăng thêm lỗ, không còn khả năng tích luỹ để phát triển cho các doanh nghiệp vận tải biển trong nước, bất kể là doanh nghiệp lớn hay nhỏ.

Còn theo bà Phạm Thị Cẩm Hà, Tổng giám đốc Vitranchart JSC, những tháng đầu năm 2016, chỉ số giá cước trên thị trường vận tải biển liên tiếp lập mức thấp kỷ lục mới và ở mức thấp nhất trong 30 năm qua, nhiều tàu phải neo đậu vì giá cước giảm thê thảm cùng với tình trạng hàng hoá vô cùng khan hiếm. Theo đó, hai chỉ số phản ánh mức cước vận chuyển của ngành vận tải biển thế giới là BDI và BHSI bình quân nửa đầu năm nay chỉ ở mức 486 và 282 điểm, giảm lần lượt 22% và 21% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, vấn đề hiện nay là nhiều công ty rơi vào tình trạng nguồn thu không đủ bù đắp chi phí thiết yếu cho đội tàu như: tiền lương, bảo hiểm, nhiên liệu, vật tư, sửa chữa… Đó là chưa kể chi phí khấu hao và chi phí lãi vay cao khi đầu tư cho các đội tàu.

Nhìn từ vụ “chết đuối” của hãng tàu Hanjin (nửa đầu năm nay Hanjin đã lỗ ròng 423 triệu USD), ông Phạm Quốc Long cho rằng, đây là hồi chuông cảnh báo về tình trạng thị trường vận tải biển suy giảm quá sâu. Các doanh nghiệp trong nước cần có những giải pháp trước mắt để co kéo, cắt giảm bớt được các tuyến tàu chạy lỗ nhằm tồn tại lâu dài, chờ thị trường khả quan hơn.     

Chuyên đề