Doanh nghiệp EU muốn đầu tư vào lĩnh vực tăng trưởng xanh

(BĐT) - Tại buổi Đối thoại với lãnh đạo toàn cầu về biến đổi khí hậu (BĐKH) và tiếp cận năng lượng sạch tại Việt Nam do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và Dự án Mạng lưới Kinh doanh EU - Việt Nam (EVBN) đồng tổ chức, “Công lý trong biến đổi khí hậu” - một khái niệm mới đối với Chính phủ Việt Nam - đã được đặc biệt chú trọng.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Theo bà Mary Robinson, Đặc phái viên của Liên hiệp quốc (LHQ) về El Nino và BĐKH, Chủ tịch Quỹ Mary Robinson, Công lý trong biến đổi khí hậu, sự công bằng trong BĐKH tạo điều kiện cho các hoạt động hướng tới phát triển bền vững và yêu cầu sự góp sức của DN. “Đóng góp tích cực cho hoạt động này không chỉ đơn thuần là cấp thêm tài chính hay giảm lượng carbon vào môi trường, mà yêu cầu phải có chiến lược tốt để bảo đảm nguồn tài chính lâu dài cũng như giúp đỡ các nước đang phát triển giảm lượng carbon, phát triển thịnh vượng lâu dài”, bà Robinson nhấn mạnh.

Ông Tomaso Andreatta, Chủ tịch Tiểu ban Tăng trưởng xanh thuộc EuroCham cho biết, Tiểu ban sẽ nỗ lực giúp Việt Nam lựa chọn các nguyên liệu sạch và bền vững, đem đến những công nghệ và bí quyết tốt nhất từ các công ty châu Âu trong lĩnh vực này tại Việt Nam. Trọng tâm hoạt động của Tiểu ban là năng lượng tái tạo, đô thị hóa hiệu quả, quản lý nước và chất thải.

Theo ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam cần dành lượng vốn tương đương khoảng 4 - 6% GDP cho thích ứng với biến đổi khí hậu và 30 tỷ USD cho thúc đẩy tăng trưởng xanh trong giai đoạn 2016 - 2020. Cơ hội để đầu tư vào 2 lĩnh vực này đang hiện hữu rõ ràng, vì Nhà nước chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu vốn.
Được biết, với sự hỗ trợ của EVBN và hợp tác với AmCham và Dragon Capital, EuroCham đang trình bày và đưa ra những kiến giải đối với Chính phủ Việt Nam trong “Kế hoạch Năng lượng sản suất tại Việt Nam”, một lộ trình phát triển sạch và kinh tế bền vững hơn của Việt Nam trong 20 năm tới.

Còn theo Chủ tịch EuroCham Michael Behrens, một tín hiệu khá lạc quan là EuroCham và 900 DN thành viên của mình đang quan tâm sâu sắc đến lĩnh vực tăng trưởng xanh ở Việt Nam. Đặc biệt, EuroCham mong muốn hỗ trợ cho quá trình xây dựng, giới thiệu và thực hiện một kế hoạch năng lượng tái tạo quốc gia. Đáng tin cậy, bền vững và giá điện phải chăng là chìa khóa để thu hút đầu tư.

“EuroCham nhận thấy tiềm năng lớn cho các nhà đầu tư từ châu Âu trong lĩnh vực công nghệ xanh và bền vững, đặc biệt là năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh học và các giải pháp tối ưu năng lượng trong xây dựng, xử lý nước và chất thải tại Việt Nam. Tuy nhiên, do thiếu các chính sách ưu đãi đầu tư và những điều kiện thị trường còn hạn chế, nhiều nhà đầu tư châu Âu, cụ thể là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đã rời khỏi và các nhà đầu tư mới còn rất e dè” - ông Michael Behrens nhận xét.

Chuyên đề