Doanh nghiệp chưa chú trọng ứng phó với rủi ro thiên tai

(BĐT) - Chiếm đến khoảng 97% tổng số doanh nghiệp (DN) của Việt Nam, song hầu hết doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chưa có kế hoạch nâng cao năng lực ứng phó và phục hồi sau rủi ro thiên tai.
Thiên tai ảnh hưởng đến hầu hết hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Ảnh: Phương Hà
Thiên tai ảnh hưởng đến hầu hết hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Ảnh: Phương Hà

Doanh nghiệp đối mặt với nhiều cái khó

Việt Nam là quốc gia thường phải gánh chịu rủi ro do thiên tai gây ra, ảnh hưởng không nhỏ đối với đời sống cũng như sản xuất kinh doanh, trong đó các DNNVV chịu ảnh hưởng không nhỏ. Nhận xét này được bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề cập tại Diễn đàn DN quốc gia với chủ đề: “Nâng cao năng lực ứng phó và phục hồi sau rủi ro thiên tai cho DNNVV ở Việt Nam” diễn ra ngày 30/9 vừa qua.

Bà Thủy khẳng định: “Ở Việt Nam, các DNNVV đang có những đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, thực tế hoạt động kinh doanh của khối DN này vẫn còn khó khăn, cộng thêm rủi ro thiên tai khiến DN lại càng khó. Do đó, việc nâng cao năng lực cho khối DN này, trong đó có năng lực ứng phó và phục hồi sau rủi ro thiên tai để vượt qua khó khăn là vô cùng cần thiết…”.

Kết quả khảo sát tại hơn 440 DNNVV ở Việt Nam liên quan đến vấn đề này của Dự án Tăng cường năng lực ứng phó và phục hồi sau thiên tai cho các DNNVV châu Á cho thấy, nhận thức về rủi ro thiên tai cũng như kế hoạch ứng phó và phục hồi sau rủi ro thiên tai của các DN này còn rất thấp. 80% số DN được khảo sát cho biết họ chưa xây dựng kế hoạch cho vấn đề này, mà nguyên nhân chủ yếu là họ chưa biết hoặc thiếu ngân sách hoặc thiếu thông tin.

Ông Nguyễn Trí Thanh, cán bộ Chương trình cao cấp Quỹ Châu Á chỉ ra: “Không chỉ hạn chế về mặt nhận thức như nêu trên, DNNVV còn thiếu tính liên kết trong hoạt động ứng phó với rủi ro thiên tai”.

Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm thừa nhận: “Sau rủi ro thiên tai gây ra, DN lại không thuộc diện báo cáo tổn thất của phường, xã, quận…, nên thời gian qua chúng ta thiếu vắng thống kê tổn thất của DN để có đánh giá toàn diện”. 

Doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về ứng phó với thiên tai

Trong chính sách hỗ trợ phát triển DN của mình, Việt Nam cần quan tâm hơn nữa đến việc nâng cao năng lực cho DNNVV ứng phó một cách có hiệu quả khi rủi ro thiên tai xảy ra.
Tại Diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng, xét về tác động, thiên tai ảnh hưởng đến hầu hết hoạt động kinh doanh của DN như: thiệt hại về cơ sở vật chất, việc giao hàng bị trì hoãn, nhân viên không thể đi làm… Vì vậy, nâng cao nhận thức cho DNNVV về bảo hiểm rủi ro thiên tai sẽ là một điểm cần xem xét, góp phần nâng cao năng lực và khả năng phục hồi cho DN.

Ông Nguyễn Diễn cảnh báo, với những diễn biến bất thường của biến đổi khí hậu hiện nay, tác động rủi ro thiên tai đối với DN sẽ ngày càng cao. Hơn lúc nào hết, các DN, nhất là DNNVV, phải nâng cao nhận thức để có năng lực ứng phó tốt vấn đề này. Đồng quan điểm với ông Diễn, ông Nguyễn Cảnh Ân, Giám đốc Công ty TNHH Bằng Đạt nhìn nhận: “Thay đổi nhận thức, nâng cao nhận thức cho DN để ứng phó với rủi ro thiên tai chính là biện pháp giúp DN giảm thiểu những rủi ro không mong muốn”.

Ông Aslam Perwaiz, Trung tâm Phòng tránh thiên tai châu Á (ABPC) cho rằng, với quan điểm DNNVV là động lực phát triển nền kinh tế Việt Nam, nhận thức về việc hỗ trợ DN ứng phó với rủi ro thiên tai cần được thay đổi. Do đó, trong chính sách hỗ trợ phát triển DN của mình, Việt Nam cần quan tâm hơn nữa đến việc nâng cao năng lực cho DNNVV ứng phó một cách có hiệu quả khi rủi ro thiên tai xảy ra.

Trước một số lo ngại là hiện Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ xem xét để trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 10 tới đây không có nội dung nào đề cập việc đưa DNNVV vào khung chính sách hỗ trợ rủi ro thiên tai, bà Thủy cho biết: “Hiện Dự thảo đang trong quá trình lấy ý kiến, chưa ban hành, nhưng nội dung này đã được lồng ghép trong một số quy định của Dự thảo Luật. Trong trường hợp thực sự cần thiết, chúng tôi sẽ kiến nghị bổ sung để góp phần đưa DNNVV trở thành động lực phát triển kinh tế đất nước”.

Chuyên đề