Đoạn cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng: Chốt nguồn vốn đầu tư

(BĐT) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về một số phương án đầu tư đoạn cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng. Theo đó, đoạn cao tốc này đang được kiến nghị điều chỉnh, bổ sung vào Dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn.
Bộ GTVT đề xuất bổ sung đoạn cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng vào Dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn để triển khai theo hình thức BOT. Ảnh: Lê Tiên
Bộ GTVT đề xuất bổ sung đoạn cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng vào Dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn để triển khai theo hình thức BOT. Ảnh: Lê Tiên

Chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn

Từ năm 2008, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã viện trợ kinh phí để thực hiện công tác lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Đoạn tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng. Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư (danh mục đầu tư dự án); Bộ GTVT đã phê duyệt đầu tư Dự án. Bộ Tài chính đã có ý kiến về năng lực tài chính và khả năng trả nợ của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), cơ chế tài chính trong nước đối với nguồn vốn vay ADB đầu tư dự án. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) có ý kiến về nguồn vốn đầu tư và cơ chế tài chính trong nước để thực hiện dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đi cửa khẩu Hữu Nghị.

Về cơ chế tài chính Dự án Xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, đoạn cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng, Bộ Tài chính nêu quan điểm, trong bối cảnh nợ công tăng cao, việc có nhà đầu tư thực hiện Dự án sẽ giảm vay nước ngoài của Chính phủ mà vẫn huy động nguồn lực để thực hiện Dự án. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT báo cáo về khả năng kêu gọi nhà đầu tư tham gia Dự án. Trong trường hợp lựa chọn được nhà đầu tư phù hợp tham gia Dự án, Bộ Tài chính đề nghị không sử dụng vốn vay ADB cho Dự án. Trường hợp Thủ tướng Chính phủ vẫn quyết định sử dụng vốn vay ADB cho Dự án, Bộ Tài chính đề nghị chỉ thực hiện khi chủ đầu tư (VEC) và Dự án đảm bảo các điều kiện vay về cho vay lại.

Thực tế, qua rà soát, Dự án Xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, đoạn cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ GTVT. Do đó, trong trường hợp vay vốn ADB đầu tư Dự án không khả thi thì cần nghiên cứu thực hiện dự án này theo hình thức BOT để sớm đưa vào khai thác sử dụng, phát huy hiệu quả đồng bộ toàn tuyến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn theo đúng quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam. 

Đề xuất bổ sung vào BOT Bắc Giang - Lạng Sơn

Cuối tháng 11/2017, sau buổi họp giữa các bên liên quan, Bộ GTVT đã đề xuất 2 phương án đầu tư đoạn cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng.

Theo phương án 1, điều chỉnh, bổ sung đoạn tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng vào Dự án BOT Bắc Giang - TP. Lạng Sơn theo định hướng sử dụng 1 trạm thu giá trên Quốc lộ 1, bắt đầu thu từ tháng 3/2018, mức giá theo Thông tư 35/2016/TT-BGTVT, lộ trình tăng 15%/3năm; mức giá cao tốc dự kiến khoảng 1.800 – 2.000 đ/PCU/km, lộ trình tăng 12%/3 năm. Bộ GTVT đánh giá, phương án này có ưu điểm tiến độ triển khai nhanh, đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời, phương án này đã được phía ngân hàng cam kết tiếp tục cho vay vốn.

Phương án 2 được đưa ra trên cơ sở tách riêng đoạn cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng thành dự án độc lập, triển khai theo hình thức BOT.

Trên cơ sở thống nhất lựa chọn phương án 1, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thông báo với ADB về việc không tiếp tục vay vốn ADB để đầu tư đoạn tuyến cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng. Đối với nguồn kinh phí chuẩn bị đầu tư đoạn tuyến đã được thực hiện từ nguồn vốn vay ADB, vốn ngân sách nhà nước sẽ được Bộ GTVT nghiên cứu, xử lý theo quy định. Ngoài ra, Bộ GTVT đề xuất cho phép điều chỉnh, bổ sung đoạn cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng vào Dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn để triển khai theo hình thức BOT như phương án 1 nêu trên.

Chuyên đề