Điểm mặt hàng loạt dự án BOT giao thông sai phạm

Báo cáo của KTNN trong buổi làm việc với đoàn giám sát của UB Thường vụ QH về việc thực hiện chính sách pháp luật trong đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) ngày 21.2 chỉ ra hàng loạt hạn chế tồn tại ở 27 dự án bị kiểm toán từ năm 2013 - 2016. Theo đó sai phạm chủ yếu là đội tổng mức đầu tư hàng nghìn tỉ đồng, tính thời gian thu phí dài hơn cả chục năm, thiết kế chưa phù hợp…
Nhiều dự án lộ bất cập sau kiểm toán. Ảnh: KHÁNH HOÀ
Nhiều dự án lộ bất cập sau kiểm toán. Ảnh: KHÁNH HOÀ

Nhiều sai sót về khối lượng định mức, đơn giá

KTNN chỉ ra hàng loạt dự án có thiết kế bản vẽ thi công chưa phù hợp với tiêu chuẩn, giải pháp thiết kế không phù hợp với thực tế, tính sai khối lượng, biện pháp thi công không hợp lý, công tác lập thẩm định phê duyệt dự án không đúng định mức, đơn giá, xác định khối lượng dự toán chưa chính xác làm tăng giá trị dự toán các công trình như dự án cải tạo QL18 đoạn Uông Bí - Hạ Long (tăng 39,4 tỉ đồng), dự án cải tạo nâng cấp QL14 đoạn từ cầu 38 đến thị xã Đồng Xoài tỉnh Bình Phước (tăng 35,2 tỉ đồng), dự án cải tạo QL1 đoạn qua Bình Thuận (tăng 34,9 tỉ đồng), dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tăng từ 24.567 tỉ đồng lên 45.522 tỉ đồng.

KTNN cũng nhận định công tác nghiệm thu giám sát, quản lý chất lượng thi công tại một số dự án chưa chặt chẽ, còn xảy ra hiện tượng hằn lún vệt bánh xe, bong bật ổ gà tại các dự án mở rộng QL1 đoạn qua tỉnh Bình Thuận, Quảng Bình, Quảng Nam, đoạn Phan Thiết - Đồng Nai. Công tác quản lý chi phí đầu tư thực hiện tại các dự án đều tồn tại, sai sót về khối lượng định mức, đơn giá và KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 1.358,671 tỉ đồng, trong đó yêu cầu giảm quyết toán 750,559 tỉ đồng, xử lý khác 608,111 tỉ đồng. Các dự án bị yêu cầu giảm chi phí đầu tư gồm cao tốc Hà Nội - Hải Phòng giảm 325,282 tỉ đồng, dự án cầu Cổ Chiên giảm 174,026 tỉ đồng, dự án QL1 Bình Thuận giảm 99,675 tỉ đồng, dự án QL1 TP. Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai giảm 56,578 tỉ đồng, dự án QL1 Quảng Bình 39,152 tỉ đồng.

Một số dự án chậm tiến độ do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng như dự án QL14 đoạn từ cầu 38 đến thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước chậm 24 tháng, dự án mở rộng QL1A đoạn từ Đông Hà đi Quảng Trị chậm 44 tháng so với hợp đồng gốc.

Sau khi rà soát các chỉ tiêu đầu vào, tính lại phương án tài chính cho sát với thực tế và phù hợp với quy định, KTNN đã giảm thời gian thu phí hoàn vốn của các dự án từ 10 tháng đến 13 năm. Cá biệt, KTNN đã kiến nghị chấm dứt việc thu phí với dự án tuyến tránh QL1 đoạn qua thị xã Tam Kỳ và đường ĐT 618 huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, giảm thời gian thu phí 3 năm.

Quá nhiều trạm thu phí, dân không đi cũng mất tiền

Không chỉ lộ hàng loạt vấn đề trong thi công, xây dựng hay dự toán, các dự án BOT còn bị KTNN chỉ ra bất cập về vị trí trạm, mức phí gây bức xúc cho người dân.

Ngày 21.2, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Quang Thành nhận định, đang có tình trạng trạm thu phí của dự án BOT đặt trên tuyến đường khác, không gắn với dự án, dẫn đến tình trạng người dân không đi trên đường được đầu tư bằng BOT nhưng vẫn phải trả phí cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, theo KTNN còn có tình trạng cứ qua trạm thu phí không kể chiều dài đi được bao nhiêu, đều có mức thu như nhau khiến người dân và DN tại địa phương nơi đặt trạm thu phí phải trả phí rất cao hằng ngày dù đi quãng đường rất ngắn.

Từ thực trạng này, KTNN đề nghị phải quy định rõ ràng hơn về vị trí đặt các trạm thu phí đúng trên tuyến đường dự án thực hiện, khoảng cách giữa các trạm tối thiểu 70km, kiến nghị chỉ áp dụng hình thức đầu tư BOT cho các dự án mới hoặc cải tạo trên các tuyến không độc đạo để người dân có sự lựa chọn đồng thời điều chỉnh, bổ sung các quy định để tăng tính cạnh tranh, tăng tính minh bạch, mang lại hiệu quả cho các dự án.

Ông Nguyễn Ngọc Long - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kỹ thuật cầu đường VN cho rằng, các dự án đầu tư BOT làm cái gì cần nêu rõ là nâng cấp cải tạo hay làm mới và đây là điểm hết sức bức xúc của xã hội làm nổi lên hàng loạt vấn đề kiểm toán nêu ra. Theo ông Long, không chỉ đặt quá nhiều trạm thu phí trên đường dài, một số dự án còn có trạm trong đường nội bộ khiến người dân bức xúc nên cần phải xem xét làm rõ thêm tiêu chí lựa chọn dự án BOT, trong đó có trạm thu phí và đề nghị đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ giám sát các dự án BOT theo định kỳ 1 năm, 3 năm.

Còn theo nguyên Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền, có nhiều vấn đề cần làm rõ như việc kiểm soát các dự án BOT còn hạn chế để các chủ đầu tư tự tung tự tác, dẫn đến thất thoát, tiêu cực từ tài chính, chất lượng, thời gian, tiến độ.

Chuyên đề