Địa phương “ngại” cấp phép đầu tư dự án dệt nhuộm

(BĐT) - Tại Hội nghị trực tuyến về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu diễn ra mới đây, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, các địa phương đang “ngại” cấp phép đầu tư đối với các dự án dệt nhuộm và kiến nghị các địa phương tạo điều kiện cấp phép cho dự án đầu tư vào dệt nhuộm, ưu tiên các doanh nghiệp có công nghệ hiện đại xử lý nước thải.

Dẫn chứng các địa phương đang “ngại” cấp phép đầu tư đối với các dự án dệt nhuộm, ông Cẩm cho biết, Tập đoàn TAL Hồng Kông muốn đầu tư Dự án dệt nhuộm tại Khu công nghiệp Bá Thiện 2 tại tỉnh Vĩnh Phúc nhưng đến nay Dự án này chưa được cấp phép dù đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đồng ý về chủ trương.

Cũng theo ông Cẩm, đến nay, phần lớn các dự án FDI chỉ đầu tư vào lĩnh vực sợi, may và phụ liệu. Lĩnh vực dệt, nhuộm chỉ chiếm 8,3% tổng số vốn đầu tư FDI vào ngành dệt may. Nếu các địa phương không hỗ trợ cấp phép thì việc tạo ra chuỗi cung ứng, đáp ứng quy định xuất xứ để được hưởng lợi từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) như: EVFTA, CPTPPP là vấn đề xa vời.

Tuy nhiên, trước đó (21/4), UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức Hội thảo khoa học "Đánh giá dự án đầu tư nhà máy dệt-nhuộm của Tập đoàn TAL, hiệu quả kinh tế xã hội, tác động môi trường" để bàn về vấn đề này. Ý kiến của hầu hết các đại biểu, các nhà khoa học, chuyên gia cũng như đại diện nhiều bộ ngành và địa phương một số tỉnh lưu vực sông Cầu cũng như chính quyền nhân dân huyện Bình Xuyên đều nhấn mạnh quan điểm thận trọng khi cấp phép đầu tư các dự án dệt nhuộm.

Tập đoàn TAL được thành lập từ năm 1947 và có trụ sở chính tại Hồng Kông. Tháng 10/2016, Tập đoàn TAL đã đưa Nhà máy may mặc TAL thứ 2 đi vào hoạt động tại Khu công nghiệp Bá Thiện 2 (Bình Xuyên). Để việc sản xuất may mặc được vận hành theo chuỗi khép kín đầu - cuối, Tập đoàn mong muốn được khởi công xây dựng Dự án dệt nhuộm tại khu công nghiệp Bá Thiện 2, dự kiến khi đi vào hoạt động sẽ sản xuất 100% vải sơ mi coton cao cấp với tổng vốn đầu tư 350 triệu USD, sản xuất 68 triệu thước vải/năm tương đương với 35 triệu áo sơ mi/năm và tạo việc làm cho hơn 1.500 lao động.

Chuyên đề