Dệt may vào TPP: Hợp tác và chủ động

Sẽ không lâu nữa, người tiêu dùng có thể sẽ tìm thấy nhiều hơn những sản phẩm may mặc thương hiệu Việt Nam tại thị trường Mỹ, New Zealand, Australia, Nhật Bản hay nhiều quốc gia thành viên khác tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với mức giá chỉ tương đương giá trong nước.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, khi nhiều nhà đầu tư bên ngoài TPP ồ ạt đầu tư vào lĩnh vực này đã làm dấy lên quan ngại rằng: Rất có thể chính họ mới là đối tượng được hưởng lợi từ TPP nếu doanh nghiệp dệt may Việt Nam chậm chân.

Nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào dệt may trong giai đoạn 2014-2015 đã ghi nhận con số 2 tỷ USD mỗi năm. Đây là mức đầu tư bằng cả 10 năm trước đó cộng lại. Đã có những dự án quy mô lớn tới 400-500 triệu USD phần lớn đến từ các nhà đầu tư Hàn Quốc, Hong Kong hay Đài Loan thuộc Trung Quốc. Mức tăng đột biến này hoàn toàn được lý giải khi TPP giành ưu đãi thuế 0% cho dệt may nhưng với điều kiện: đảm bảo từ sợi cho đến thành phẩm phải được sản xuất trên lãnh thổ Việt Nam.

Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho dệt may Việt Nam khi gia nhập TPP. Thực tế, có tới 90% doanh nghiệp trong nước chỉ hoạt động ở khâu gia công và mua nguyên liệu bán thành phẩm. Những đơn vị đầu tư vào sản xuất nguyên liệu phải nhập 100% bông xơ từ Mỹ hoặc Tây Phi, vì nguyên liệu trong nước không đảm bảo yêu cầu. Khi chưa đủ tiềm lực, nhiều doanh nghiệp trong nước đã nhìn nhận khu vực FDI như một đối tác thay vì một đối thủ như trước đây để có thể tận dụng nền tảng đầu tư hàng triệu USD từ khâu nguyên phụ liệu rồi cùng chia sẻ lợi ích từ TPP.

Về lâu dài, để thực sự chủ động và tăng phần hưởng lợi TPP theo thời gian, một số hạt nhân dệt may đã bước đầu đổ vốn vào công nghiệp phụ trợ. 2 năm chuẩn bị trước khi TPP có hiệu lực sẽ là thời gian để những dự án này nhanh chóng hoàn thiện, đưa ra nền tảng căn bản nhất cho dệt may trong nước tự tin bước vào TPP.

Dệt may với TPP - Nỗi lo còn dài hay TPP: Sân chơi không dễ cho dệt may... tất cả những nhận định này đều đúng. Song, cũng cần phải khẳng định thêm: Quy tắc xuất xứ của TPP cho dù khắt khe nhưng không phải là bài toán không lời giải đối với dệt may Việt Nam nếu khẩn trương chuẩn bị một cách bài bản.

Chuyên đề