Dệt may đón cơ hội từ các FTA: Khối FDI chiếm thế thượng phong!

Các chuyên gia nhận định: Khi các FTA thế hệ mới giữa Việt Nam với Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU), FTA Việt Nam - EU (EVFTA) và TPP có hiệu lực, dệt may vốn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tiếp tục được kỳ vọng là một ngành được hưởng lợi nhiều nhất.
Dệt may vẫn được coi là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Dệt may vẫn được coi là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Mở cửa thông thoáng

Đối với Hiệp định TPP, các bên tham gia đều nhất trí xóa bỏ thuế quan với hàng dệt may, hầu hết các mức thuế sẽ được xóa bỏ ngay lập tức, một số mặt hàng nhạy cảm sẽ được xóa bỏ với lộ trình dài hơn. Điều kiện để được hưởng thuế suất 0% là đáp ứng các quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi tại nước xuất khẩu hoặc được tính toán cộng gộp từ nội khối. Ngoài ra, TPP cũng có cơ chế linh hoạt về “nguồn cung thiếu hụt” và cơ chế tự vệ đặc biệt trong trường hợp có sự gia tăng đột biến về nhập khẩu.

Trong khi đó, FTA Việt Nam - EU quy định xuất xứ từ vải, xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu trong vòng 7 năm từ khi hiệp định có hiệu lực. Với FTA EAEU, mặt hàng giày dép và túi xách sẽ có 77% số dòng thuế được cắt, giảm; 73% xóa bỏ hoàn toàn, lộ trình tối đa 5 năm, chiếm 99% tổng kim ngạch xuất khẩu. Riêng với mặt hàng túi xách, 100% dòng thuế được cam kết xóa bỏ thuế hoàn toàn, phần lớn là ngay khi hiệp định có hiệu lực.

Nhìn chung, EAEU bảo hộ chủ yếu đối với các mặt hàng có chất liệu từ len, bông và các sản phẩm cao cấp; đồng thời mở cửa cho các mặt hàng thuộc phân khúc trung bình, giá bình dân. Ngoài ra, EAEU vẫn duy trì cách đánh thuế hỗn hợp, ngoài thuế nhập khẩu thông thường (theo giá trị) còn có thuế nhập khẩu theo mùa vụ và thuế đặc định (tính trên một đơn vị khối lượng sản phẩm).

Cơ hội không tự nhiên đến

Tuy nhiên, để hưởng những ưu đãi trên, TPP quy định sản phẩm xuất khẩu phải có xuất xứ từ sợi và FTA Việt Nam - EU phải từ vải đã được hưởng mức thuế suất 0%. Trường hợp phải nhập nguyên liệu thì chỉ nhập trong nội khối của TPP, đối với FTA Việt Nam - EU thêm trường hợp ngoại lệ là Hàn Quốc. Trong khi các thị trường cung cấp nguyên liệu chủ yếu cho dệt may Việt Nam đến nay là Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc lại không tham gia TPP. FTA Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) cũng đưa ra điều kiện là phải đáp ứng được yêu cầu về mô tả hàng hóa trên C/O.

Đáng nói là, hiện nay nguyên, phụ liệu đầu vào cụ thể là mặt hàng sợi chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc lên tới 43%, Hàn Quốc 20%, Đài Loan 15%. Các nước TPP chỉ chiếm một tỉ lệ ít ỏi là... 9,7%, nhập khẩu vải cũng chỉ chiếm 5,3%. Công đoạn may dù được xem là thế mạnh nhưng giá trị tăng thêm của hàng dệt may xuất khẩu chỉ chiếm trên 50% do vẫn chủ yếu gia công 
xuất khẩu.

Ngoài ra, doanh nghiệp (DN) FDI hiện đang chiếm thế thượng phong trong tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của cả nước. Đặc biệt, xu hướng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam đã dần được rõ nét. Số liệu của Hiệp hội Dệt - May Việt Nam (Vitas) cho thấy, tính đến hết năm 2015, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành dệt may của Việt Nam đã chạm ngưỡng 2 tỉ USD. Đây là số vốn cao kỷ lục từ trước tới nay.

Theo dự báo của Phòng Thương mại Mỹ (Amcham), dòng vốn từ Mỹ vẫn đang tiếp tục chảy vào Việt Nam để đón đầu các cơ hội từ TPP đem lại. Hàng loạt dự án “khủng” đã đầu tư hoặc chuẩn bị đầu tư ở Việt Nam. Ngay trong tháng 1.2016, Công ty Avery Dennison RBIS thuộc Tập đoàn Avery Dennison của Mỹ chuyên về tem nhãn mác, bao bì, phụ liệu trang trí cho ngành dệt may, da giày đã chính thức khánh thành nhà máy tại KCN Long Hậu (tỉnh Long An) với tổng vốn đầu tư 30 triệu USD.

Ông Trần Thanh Hải - Cục phó Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - lo ngại: “Nếu DN Việt không nhanh thì DN nước ngoài sẽ vào khai thác và hưởng lợi từ FTA “hộ” chúng ta”. Theo ông Trần Thanh Hải, hiệp định tháo dỡ hàng rào thuế quan nhưng cơ hội kinh doanh không tự nhiên đến. Điều này gián tiếp tăng cơ hội kinh doanh cho DN nhưng vai trò quyết định vẫn phải là DN. Khi EAEU đàm phán thêm nhiều FTA với các đối tác khác thì lợi thế của ta cũng sẽ giảm.

Theo đó, ông Hải cho rằng, DN cần tìm hiểu về nội dung cam kết liên quan đến mặt hàng của mình trên các khía cạnh: Thuế quan, quy tắc xuất xứ, biện pháp kỹ thuật và biện pháp phòng vệ (chống phá giá, chống trợ cấp). Ngoài ra, cần đánh giá được tác động của các cam kết đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mình cũng như các đối tác, đối thủ cạnh tranh.

Chuyên đề