Đề xuất phương án “cứu” Quốc lộ 5

(BĐT) - Sau khi hoàn thành khảo sát, đánh giá hiện trạng xuống cấp của Quốc lộ 5 (QL5), đơn vị tư vấn độc lập vừa đề xuất phương án sửa chữa tuyến quốc lộ huyết mạch này với tổng kinh phí hơn 2.000 tỷ đồng.
Nếu phương án sửa chữa được chấp thuận, VIDIFI dự kiến sẽ hoàn thành sửa chữa Quốc lộ 5 vào năm 2021. Ảnh: Nguyễn Dương
Nếu phương án sửa chữa được chấp thuận, VIDIFI dự kiến sẽ hoàn thành sửa chữa Quốc lộ 5 vào năm 2021. Ảnh: Nguyễn Dương

Xuống cấp trầm trọng

Theo kết quả khảo sát và đánh giá tổng thể hiện trạng hư hỏng của QL5, đơn vị tư vấn đã phân chia hiện trạng QL5 thành 6 đoạn tuyến với nhu cầu và mức độ sửa chữa khác nhau. Trong đó, đoạn tuyến từ Km11+135 - Km76+000 (65 km) có mức độ xuống cấp trầm trọng nhất, cần phải đại tu sớm vì tổng diện tích mặt đường bê tông nhựa đã bị hư hỏng trên 40% ở làn xe cơ giới, nhiều vị trí hằn lún vệt bánh xe trên 5 cm, nhiều cầu bị xuống cấp ở mặt cầu, khe co giãn, lan can, ống thoát nước, một số cầu có nứt dầm…

Đa số các đoạn tuyến còn lại cũng đều đến thời hạn trung tu. Trong thời gian qua, khi chủ đầu tư đôn đốc các nhà thầu thực hiện khắc phục một số đoạn trồi sụt thì lại liên tục phát sinh các hư hỏng, trồi sụt mới. Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính (VIDIFI) cho biết, từ khi tiếp nhận công tác quản lý, bảo trì QL5, đơn vị này phải liên tục tiến hành sửa chữa, cào bóc để đảm bảo an toàn giao thông (ATGT). Tình trạng các hạng mục khác như hộ lan, dải phân cách giữa, điện, sơn kẻ vạch cũng đã xuống cấp trầm trọng vì sau 18 năm khai thác QL5 nhưng chưa được nâng cấp, sửa chữa.

Theo VIDIFI, QL5 là tuyến giao thông huyết mạch kết nối các tỉnh phía Bắc, nhất là cụm cảng Hải Phòng với Thủ đô Hà Nội, nên lưu lượng xe rất lớn, đặc biệt là xe tải. Mặc dù có một lượng xe đã phân lưu sang cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, nhưng do QL5 là nơi tập trung nhiều nhà máy, khu công nghiệp, mức thu phí thấp hơn đường cao tốc nên tuyến đường này vẫn được nhiều chủ phương tiện, đặc biệt là phương tiện vận chuyển hàng hóa lựa chọn.

Đề xuất 2 giai đoạn sửa chữa

Căn cứ thực tế nguồn kinh phí và mức độ hư hỏng của từng đoạn tuyến cũng như khả năng triển khai sửa chữa QL5, đơn vị tư vấn đề xuất phương án sửa chữa QL5 chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ tập trung sửa chữa một phần mặt đường (khoảng 30 km), một phần cầu và các hạng mục an toàn giao thông trong đoạn tuyến từ Km11+135 - Km76+000. Theo đó, tùy vào tình trạng hư hỏng mặt đường mà có thể xử lý hư hỏng mặt đường và hoàn trả bằng bê tông nhựa, sau đó tăng cường thêm 2 lớp bê tông nhựa hoặc tăng cường thêm 1 lớp bê tông nhựa 5 cm (nếu kết cấu mặt đường tương đối ổn định), chỉ sửa chữa một phần các công trình phụ trợ (hộ lan, dải phân cách giữa, sơn kẻ vạch, hệ thống thoát nước…). Kinh phí sửa chữa cho giai đoạn này ước tính khoảng 840 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2017 - 2018.

Giai đoạn 2 sẽ thực hiện sửa chữa phần còn lại của đoạn tuyến Km11+135 - Km76+000 và các đoạn tuyến còn lại của QL5. Cụ thể là sửa chữa mặt đường cho khoảng 60 km còn lại, tiếp tục sửa chữa nâng cấp các hạng mục phụ trợ (hộ lan, dải phân cách giữa, sơn kẻ vạch, hệ thống thoát nước…) với chi phí khoảng 1.200 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2019 - 2021.

Đáng chú ý là, mặc dù đã thống nhất với phía tư vấn trình Bộ Giao thông vận tải phương án sữa chữa QL5, nhưng VIDIFI cho rằng, nếu phương án sửa chữa QL5 được chấp thuận thì trong thời gian 5 năm tới, phải chấp nhận thực tế các hạng mục của QL5 vẫn tiếp tục xuống cấp, hư hỏng, hiện tượng hằn lún vệt bánh xe, ổ gà, rạn nứt mặt đường, sơn kẻ vạch mờ, hộ lan, vẫn tiếp tục xảy ra… Theo VIDIFI, vì QL5 là đường cũ, nên không thể coi đây là tuyến đường BOT mới do nhà đầu tư thực hiện, đòi hỏi ngay các hạng mục phải hoàn thiện như một tuyến đường mới được đầu tư theo hình thức BOT.

Chuyên đề