Đề xuất giao Bộ Giao thông triển khai vành đai 4 Tp.HCM Bến Lức - Hiệp Phước

Việc các địa phương đề xuất huy động vốn đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT cho Dự án đường vành đai 4, TP.HCM đoạn Bến Lức - Hiệp Phước là phù hợp với với quy định tại điều 4, Nghị định số 15/2015/NĐ – CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Đề xuất giao Bộ Giao thông triển khai vành đai 4 Tp.HCM Bến Lức - Hiệp Phước

Đây là  quan điểm của Bộ Kế hoạch và đầu tư  đối với Dự án đường vành đai 4, TP.HCM đoạn Bến Lức - Hiệp Phước đang được Văn phòng Chính phủ xin ý kiến của các bộ, ngành.

Bộ Kế hoạch và đầu tư thống nhất với kiến nghị của UBND Tp.HCM, Long An và đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận giao Bộ Giao thông vận tải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tiếp tục triển khai các bước tiếp theo của đoạn Bến Lức – Hiệp Phước thuộc vành đai 4 theo đúng quy định.

Trước đó, vào cuối tháng 6/2016, UBND TP.HCM có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư Dự án đường vành đai 4, TP.HCM đoạn Bến Lức - Hiệp Phước theo hình thức BOT.

Tuyến đường dài 35,8 km có điểm đầu tại nút giao Bến Lức thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An và kết thúc tại đường trục Bắc Nam thuộc khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM. Tổng mức đầu tư Dự án vào khoảng 6.273 tỷ đồng, trong đó chi phí GPMB khoảng 492 tỷ đồng. Để hoàn vốn cho nhà đầu tư, TP.HCM đề nghị cho phép thu phí kín toàn tuyến, mức thu phí áp dụng là 35.000 đồng/lượt/PCU, tăng theo mức lạm phát, 3 năm tăng 1 lần.

Dự kiến công trình khởi công vào quý I/2017; khi hoàn thành, đưa vào khai thác sau 30 tháng thi công sẽ thúc đẩy liên kết vùng, phát triển kinh tế phía Nam Tp.HCM.

Trước đó, theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011, đường vành đai 4 có tổng chiều dài khoảng 197,6 km, với tổng vốn đầu tư khoảng 98.537 tỷ đồng (không bao gồm kinh phí xây cầu vượt) bằng các nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, vốn từ khai thác quỹ đất dọc tuyến đường đi qua và vốn huy động từ tư nhân.

Đường Vành đai 4 – TP.HCM bắt đầu tại điểm giao với đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu tại Km 40 + 000 (khu vực Phú Mỹ), tuyến hướng về sân bay quốc tế Long Thành,  giao với cao tốc Tp.HCM - Long Thành – Dầu Giây (Km 39 + 150), tuyến hướng lên phía Bắc giao với quốc lộ 1A tại thị trấn Trảng Bom (Km 1834 + 700), vượt sông Đồng Nai tại cầu Thủ Biên, giao với quốc lộ 13 (Km 30 + 700) tại Bến Cát, vượt sông Sài Gòn tại cầu Phú Thuận, giao cắt quốc lộ 22 (Km 23 + 500) tại Củ Chi, đi song song ĐT.823 đến thị trấn Hậu Nghĩa, đi song song với đường ĐT.824 và ĐT.830, qua thị trấn Bến Lức, giao cắt với đường cao tốc Tp.HCM – Trung Lương, quốc lộ 1A tại Khu công nghiệp Long Hiệp, giao với quốc lộ 50 (Km 19 + 900) đến điểm cuối nối với đường trục Bắc Nam tại Khu đô thị -  cảng Hiệp Phước TP.HCM.

Diện tích đất chiếm dụng để xây dựng tuyến đường theo quy hoạch khoảng 2.061 ha, trong đó diện tích đất chiếm dụng trên từng địa phương dự kiến như sau: Bà Rịa – Vũng Tàu khoảng 184 ha; Đồng Nai khoảng 273 ha, thành phố Hồ Chí Minh khoảng 452 ha; Bình Dương khoảng 441 ha, Long An khoảng 711 ha.

Nhu cầu vốn đầu tư toàn bộ tuyến đường khoảng 98.537 tỷ đồng (phần kinh phí này không bao gồm kinh phí xây dựng các cầu vượt trực thông của các tuyến đường đang lập quy hoạch và sẽ được đầu tư xây dựng theo nguồn vốn của các dự án này). Nguồn vốn đầu tư lấy từ ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA; từ khai thác quỹ đất của các địa phương có tuyến đường đi qua và huy động từ tư nhân.

Chuyên đề