Đề xuất chuyển hình thức đầu tư một số đoạn tuyến đường ven biển Quảng Ninh - Nghệ An

(BĐT) - Tại phiên họp Quốc hội chiều 22/10, Chính phủ đã xin ý kiến Quốc hội về việc chuyển hình thức đầu tư một số đoạn thuộc tuyến đường ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An từ hình thức PPP sang đầu tư công.
Tuyến đường ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An được đầu tư đồng bộ sẽ có tác động lan tỏa, thúc đẩy liên kết vùng. Ảnh: Minh Thư
Tuyến đường ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An được đầu tư đồng bộ sẽ có tác động lan tỏa, thúc đẩy liên kết vùng. Ảnh: Minh Thư

Theo Báo cáo Đánh giá giữa kỳ Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp  tháng 7/2018, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số 4969/BKHĐT-TH ngày 20/7/2018 đôn đốc các địa phương khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án trình cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Tính đến ngày 30/9/2018, chỉ có tỉnh Thanh Hóa có văn bản đề nghị trình duyệt chủ trương đầu tư. Các địa phương khác vẫn đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ dự án đồng thời có văn bản kiến nghị một số nội dung liên quan đến việc triển khai dự án.

Báo cáo của Chính phủ chỉ ra trường hợp vẫn đầu tư theo hình thức PPP sẽ có một số vướng mắc.

Thứ nhất, chỉ đảm bảo tính kết nối liên tục, liên thông đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hải Phòng, Thái Bình. Đoạn trên địa bàn tỉnh Nam Định đến hết cầu Cửa Hội (tỉnh Nghệ An) sẽ không kết nối liên tục do có một số đoạn cải tạo, nâng cấp không phù hợp với quy định tại Nghị quyết 437/NQ-UBTVQH ngày 21/10/2017; đoạn qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An dự kiến đầu tư chắp nối kéo dài sang giai đoạn sau nên không phát huy được hiệu quả toàn bộ dự án.

Thứ hai là không phù hợp với quy định tại Nghị quyết 437/NQ-UBTVQH ngày 21 tháng 10 năm 2017 do địa phương đề nghị áp dụng hợp đồng BOT cho cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện tuyến đường đã được đầu tư (Nam Định 13,09 km; Ninh Bình 7,54 km).

Chính phủ cho rằng, trường hợp đầu tư bằng ngân sách nhà nước cần phải bổ sung nguồn để hoàn thành các dự án này nhưng sẽ mang lại hiệu quả đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển khu vực ven biển, phù hợp với quy định của pháp luật.

Tuyến đường ven biển chủ yếu đi qua vùng ven biển có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, do đó việc nhà nước ưu tiên hỗ trợ từ nguồn vốn đầu tư công sẽ  bước đầu đảm bảo mục tiêu kết nối giao thông hành lang ven biển, mở rộng quỹ đất cho đầu tư sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên biển,tăng tính kết nối để thúc đẩy liên kết vùng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư các dự án thuộc quy hoạch tuyến đường ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An từ hình thức PPP sang đầu tư công sử dụng ngân sách nhà nước đối với một số đoạn tuyến. Cùng với đó, cho phép sử dụng dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn để bổ sung, hỗ trợ, kết hợp với nguồn vốn hợp pháp khác của các địa phương liên quan thực hiện các dự án nhằm hoàn thành toàn bộ tuyến đường, mở ra không gian phát triển, tạo sức lan tỏa và đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của khu vực đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ.

Chuyên đề