Đề nghị điều chỉnh quỹ đất phát triển hạ tầng

(BĐT) - Ưu tiên bố trí đủ quỹ đất để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tập trung phát triển các lĩnh vực hạ tầng then chốt; ưu tiên bố trí quỹ đất cho những dự án quan trọng tạo đột phá phát triển và có tác động lan tỏa lớn là quan điểm của Chính phủ trong chiến lược sử dụng đất hiệu quả, phục vụ mục đích phát triển kinh tế - xã hội.
Chính phủ ưu tiên quỹ đất cho lĩnh vực hạ tầng giao thông, thủy lợi
Chính phủ ưu tiên quỹ đất cho lĩnh vực hạ tầng giao thông, thủy lợi

Đất phát triển hạ tầng tăng 156,9 nghìn ha so với 2010

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến năm 2015, diện tích đất phát triển hạ tầng của cả nước là 1.338,32 nghìn ha, tăng 156,9 nghìn ha so với năm 2010 (bình quân tăng 31,38 nghìn ha/năm). Tuy nhiên, con số này thấp hơn so với chỉ tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 17/2011/QH13 của Quốc hội về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, diện tích đất sử dụng phát triển hạ tầng giai đoạn 2011 - 2015 (1.430 nghìn ha).

Trong đó, lĩnh vực hạ tầng có sự gia tăng về đất nhiều nhất là hạ tầng giao thông. Giai đoạn 2011 - 2015 đã sử dụng 691,18 nghìn ha đất, tăng 91,65 nghìn ha so với năm 2010 (bình quân khoảng 18,33 nghìn ha/năm). Cả nước đã xây dựng, nâng cấp, cải tạo trên 4.500 km đường quốc lộ, 70.000 km đường giao thông nông thôn và nâng cấp, mở rộng nhiều cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng hàng không.

Đứng thứ hai trong việc sử dụng đất phát triển hạ tầng là lĩnh vực năng lượng với 146,07 nghìn ha, tăng 23,78 nghìn ha so với năm 2010. Tiếp đó là quỹ đất dành cho thủy lợi, cơ sở giáo dục - đào tạo, cơ sở thể dục - thể thao… với số tăng lần lượt là 18,58 nghìn ha, 9,12 nghìn ha, 5,17 nghìn ha so với năm 2010.

Nếu so với chỉ tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 17/2011/QH13, một số lĩnh vực hạ tầng có diện tích sử dụng đất vượt chỉ tiêu là đất cơ sở văn hóa (cao hơn 2.230 ha), đất cơ sở y tế (cao hơn 690 ha). Tuy nhiên, một số lĩnh vực chưa đạt chỉ tiêu sử dụng đất phát triển hạ tầng như đất cơ sở giáo dục - đào tạo (thấp hơn 14,76 nghìn ha), đất cơ sở thể dục - thể thao (thấp hơn 5,99 nghìn ha)… 

Cần điều chỉnh quy hoạch đất

Trên cơ sở đánh giá nhu cầu sử dụng đất phát triển hạ tầng trong thời gian tới, Chính phủ đề nghị Quốc hội điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và lập kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) cấp quốc gia. Theo đó, đến năm 2020, quỹ đất dành cho phát triển hạ tầng là 1.561,39 nghìn ha, tăng 223,07 nghìn ha so với giai đoạn 2011 - 2015.

Đánh giá về phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 cấp quốc gia, đại diện cơ quan thẩm tra, ông Nguyễn Văn Giàu cho biết, Ủy ban Kinh tế (UBKT) của Quốc hội tán thành với sự cần thiết điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 cấp quốc gia.

Cụ thể, UBKT tán thành phương án điều chỉnh tăng các loại đất giao thông, đất thủy lợi, đất cơ sở văn hóa, đất cơ sở y tế, đất cơ sở thể dục - thể thao và một số loại đất phát triển hạ tầng khác để phù hợp với nhu cầu phát triển. Hai loại đất cần điều chỉnh giảm là đất công trình năng lượng và đất cơ sở giáo dục - đào tạo. Đối với đất công trình năng lượng, lý do cần điều chỉnh giảm là do loại bỏ 6 dự án thủy điện bậc thang, 418 dự án thủy điện nhỏ và lùi tiến độ triển khai một số nhà máy điện sau năm 2020. Đối với đất cơ sở giáo dục - đào tạo, lý do cần điều chỉnh giảm là do điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2016 - 2020.

Tuy nhiên, UBKT cũng đề nghị Chính phủ cần bám sát chiến lược phát triển nguồn nhân lực khi xây dựng quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đất cho hoạt động thể dục - thể thao tại các cơ sở giáo dục, đào tạo.

Chuyên đề