Đầu tư ra nước ngoài là cách tốt nhất để quốc tế hóa doanh nghiệp

(BĐT) - Kể từ năm 1989, tức khi Việt Nam có dự án đầu tiên đầu tư ra nước ngoài (ĐTRNN) tại Nhật Bản, đến nay ĐTRNN của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã hiện diện tại nhiều nước trên thế giới. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng và toàn diện, việc các DN Việt Nam cần trang bị gì khi “đem chuông đi đánh xứ người” đang là một chủ đề nóng. Nhân dịp năm mới, phóng viên Báo Đấu thầu đã có cuộc trò chuyện với ông Robert Trần, Tổng giám đốc Robenny Corporation, phụ trách khu vực Mỹ và Châu Á - Thái Bình Dương xung quanh vấn đề này.

Làn sóng ĐTRNN, kể cả những DN có quy mô nhỏ, ngày càng có xu hướng gia tăng. Ông có đánh giá gì về xu hướng đầu tư này?

Theo tôi, điều này là hoàn toàn tốt, phản ánh đúng xu hướng hội nhập sâu rộng của các DN Việt Nam vào dòng chảy chung của nền kinh tế thế giới. Không chỉ riêng ở Việt Nam, các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang muốn tận dụng tối đa các hiệp định nên đã xúc tiến việc đầu tư ra khỏi lãnh thổ ngày càng nhiều. Đa phần họ cũng xuất thân là những DN nhỏ và vừa.

Chúng ta phải đồng ý với nhau theo một nguyên tắc cơ bản là, khi làm kinh doanh, ở đâu có tiềm năng phát triển cho công việc kinh doanh của mình thì mình làm. ĐTRNN không chỉ để phát triển kinh doanh, mà cũng là một cách để quốc tế hóa DNvà xây dựng thương hiệu. Thực tế cho thấy, có những DN rất to, nhưng chỉ là DN bản địa. Gần 20 năm hỗ trợ DN nhỏ và vừa từ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vươn ra thế giới, chúng tôi nhận thấy có một liên kết trực tiếp giữa quốc tế hóa DN nhỏ và vừa và tăng hiệu suất DN nhỏ và vừa: đó là các hoạt động quốc tế luôn củng cố tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ sự phát triển bền vững lâu dài của công ty. 

Rõ ràng, việc hội nhập sâu rộng của Việt Nam đang mở ra nhiều cơ hội mới cho DN trong nước. Vậy theo ông, đâu là những lĩnh vực tốt và đâu là thị trường tốt để cho các DN Việt Nam ĐTRNN có đất "dụng võ"? 

Nói chung, vấn đề này tùy thuộc vào mỗi DN, nhưng chung quy lại sẽ có 2 dạng đầu tư. Thứ nhất, DN đó mở văn phòng, công ty ở một thị trường mới và phát triển kinh doanh sản phẩm họ đang bán ở  bản địa. Thứ hai, chủ DN sẽ đầu tư tiền vào một công việc kinh doanhhoặc thông qua các quỹ đầu tư khác…

Đầu tư ra nước ngoài là cách tốt nhất để quốc tế hóa doanh nghiệp ảnh 1
Ông Robert Trần - Tổng Giám đốc Robenny Corporation

Tôi cho rằng, lĩnh vực tốt và thị trường tốt không thiếu. Vấn đề quan trọng nhất là các DN phải biết dấn thân, phải biết đào sâu và tìm tòi, chứ đừng nên ngại khó và sợ thất bại.

Chủ DN Việt Nam thường có chung một điểm là văn hóa đại khái và làm theo phong trào, không chịu tìm hiểu một thị trường chi tiết cụ thể. Điều này có lợi thế là “có gan làm giàu – cứ làm đại tới đâu tính tới đó”, nhưng rủi ro và thất bại cũng sẽ rất cao. Vì, khi càng làm sâu vào, họ càng phát hiện quá nhiều thứ không lường trước được. Hoặc, một số ít chủ DN chịu nghiên cứu, nhưng lại tiết kiệm không chịu hỏi lời khuyên của những cố vấn chuyên nghiệp, mà lại nhờ con cái đang du học hoặc người nhà kiểm tra hộ. Nói tóm lại, theo tôi, nếu muốn làm thì phải làm một cách bài bản. 

Việc Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đã mang lại cho nền kinh tế Việt Nam những "cú hích" mới, tuy nhiên, thách thức vẫn luôn chờ chực phía trước. Về mặt vĩ mô, theo ông, Chính phủ Việt Nam cần có sự hậu thuẫn gì cho DN khi bước vào những thị trường lớn đó?

Theo tôi, Chính phủ chỉ có thể hỗ trợ chính về mặt thông tin chính xác, đầy đủ và thật nhanh. Phần còn lại vẫn phải do chính bản thân DN tự chủ, họ phải biết họ cần gì. DN Việt Nam hay hiểu nhầm giữa “cần” và “muốn”. Bạn có thể muốn rất nhiều thứ, nhưng DN của bạn chỉ “cần” những gì trong giai đoạn 1, 3, 5, 10 năm. Từng giai đoạn nhu cầu của DN sẽ khác nhau phù hợp với thị trường và sự phát triển của DN.

Rất nhiều DN tìm đến Robenny Corporation khi muốn phát triển qua những thị trường khác, nhưng họ rất mơ hồ hoặc cũng không biết mình cần gì hoặc muốn gì. Có một số DN thì lại giấu không chịu nói sự thật. Tất cả những trường hợp này chúng tôi đều từ chối hết. 

Theo hình dung của ông, xu hướng ĐTRNN trong 10 năm tới của các DN Việt sẽ như thế nào? Liệu họ có thành công như những DN nước ngoài đầu tư và gặt hái thành công tại Việt Nam?

Tôi rất tin tưởng và lạc quan vào sự lớn mạnh của các DN Việt Nam trên “đấu trường” quốc tế. Nếu DN Việt Nam chịu làm một cách bài bản, biết mình cần gì, thì hoàn toàn vẫn có thể làm được, tiến xa được.

Chuyên đề