Đầu tư ngành điện: Bài toán dài hơi

(BĐT) - Vừa qua, đề xuất của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam “tái mở cửa thủy điện vừa và nhỏ” để đảm bảo cung ứng điện đã gây tranh cãi với nhiều quan điểm trái chiều. 
Nhà máy điện than và điện khí đang được định hướng đầu tư do tiềm năng thủy điện không còn nhiều. Ảnh: Quang Triều
Nhà máy điện than và điện khí đang được định hướng đầu tư do tiềm năng thủy điện không còn nhiều. Ảnh: Quang Triều

Điện khí và điện than đang được đầu tư rầm rộ để thay thế thủy điện, trong khi nhiều nước đang bỏ dần điện than vì tác hại với môi trường. Ngành điện liệu đã tính đến bài toán dài hơi khi tác động môi trường của điện than đang hiện hữu?

Khó thực hiện theo Quy hoạch điện VII

Mục tiêu phát triển điện năng từ năng lượng tái tạo đạt tỷ lệ 5% đến năm 2020 theo Quy hoạch điện VII rất khó thực hiện khi nhiều dự án chỉ dừng lại ở mức độ đăng ký hoặc triển khai dở dang, còn các dự án điện gió đã đưa vào sử dụng chưa thực sự tham gia thị trường phát điện cạnh tranh. Chẳng hạn, Điện gió Tuy Phong có công suất giai đoạn 1 là 30 MW với tổng mức đầu tư 820 tỷ đồng thì các tua bin trong tình trạng “không phải lúc nào cũng quay”, Điện gió Phú Quý có công suất 6 MW có tổng mức đầu tư 335 tỷ đồng nhưng chỉ hoạt động khoảng 3 MW.

Hiện chỉ có 2 dự án điện gió đưa vào hoạt động năm 2016 là Phú Lạc có công suất 24 MW, tổng mức đầu tư 1.100 tỷ đồng và Bạc Liêu công suất 99,2 MW với mức đầu tư 5.600 tỷ đồng đang hoạt động đều đặn. Trong các dự án điện gió chỉ có Bạc Liêu là dự án trên biển được mua với giá 9,8 cent/kWh, các dự án còn lại được mua với giá 7,8 cent/kWh trong khi giá bán lẻ của EVN là 7,3 cent/kWh. Dù vẫn đang được Nhà nước bù lỗ nhưng điện gió chưa đủ sức hấp dẫn đầu tư.

Theo Quy hoạch điện VII, năm 2020 điện than chiếm 42,7% và 49,3% vào năm 2025 thì hiện nay điện than chiếm 37,1%. Với các dự án hiện hữu thì đến năm 2025 điện than sẽ chiếm tỷ lệ 53,2%. Báo cáo của ngành điện năm 2016 cho thấy tỷ lệ thủy điện chiếm 35,5%, điện khí 26%. Tuy nhiên, điện than và điện khí vẫn đang được định hướng đầu tư do tiềm năng thủy điện không còn nhiều, thủy điện vừa và nhỏ bộc lộ quá nhiều hệ lụy. Như vậy, nhiều khả năng Quy hoạch điện VII sẽ bị phá vỡ. 

Giải bài toán môi trường

Theo Quy hoạch điện VII, năm 2020 điện than chiếm 42,7% và 49,3% vào năm 2025 thì hiện nay điện than chiếm 37,1%. Với các dự án hiện hữu thì đến năm 2025 điện than sẽ chiếm tỷ lệ 53,2%.
Vừa qua, Bộ Công Thương đã chấp thuận hoặc phê duyệt hàng loạt các dự án điện than quy mô lớn như: Nhiệt điện Quảng Trạch 1 (33.000 tỷ đồng), Quảng Trạch 2 (2,4 tỷ USD), Vũng Áng 2 (2,2 tỷ USD), Nghi Sơn 2 (2,3 tỷ USD)…

Hiện Việt Nam có 20 nhà máy điện than đang vận hành với công suất 13.110 MW, mỗi năm tiêu thụ 45 triệu tấn than và thải ra môi trường khoảng 15,7 triệu tấn xỉ tro và thạch cao. Tại các nhà máy, ngoài việc chôn lấp tại chỗ chất thải thì chưa có phương án nào khả thi. Đến năm 2020 sẽ có thêm 12 nhà máy với công suất 24.370 MW và năm 2030 có thêm 40 nhà máy thì Việt Nam đứng trước nguy cơ không còn bãi chứa chất thải điện than.

Ngoài điện than, điện khí được đánh giá là mang lại “lợi ích kép” khi đạt được hiệu quả đầu tư cao và giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường. Ví dụ, Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 là nhà máy hiệu quả nhất tại Việt Nam có tổng mức đầu tư 662 triệu USD, sau 7 năm phát điện thì mức lợi nhuận năm 2014 là 1.591 tỷ đồng, 2015 là 1.009 tỷ đồng, 2016 là 1.351 tỷ đồng và năm 2017 dự kiến 687 tỷ đồng. Đây cũng là nhà máy duy nhất tại Việt Nam có chi phí quản lý chưa đến 1% doanh thu.

Hiện nay đầu tư điện than và điện khí đang đóng vai trò chủ đạo trong đầu tư của ngành điện để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia cũng như hiệu quả kinh tế từ các dự án này mang lại. Điện than có giá thành rẻ song lại có rủi ro lớn về môi trường, các nguồn năng lượng sạch như điện gió giá thành lại đắt trong khi nhu cầu tiêu thụ điện năng không thể không đáp ứng. Thủy điện phụ thuộc nhiều vào lượng nước nên mùa mưa thì thừa điện nhưng mùa khô thì hạn chế.

Đây có lẽ là lý do một số quốc gia khác đang bỏ dần điện than vì tác động môi trường còn Việt Nam lại mở rộng đầu tư để thay thế cho thủy điện. Trong 3 năm trở lại đây Bộ Công Thương đã loại 8 thủy điện bậc thang và 463 dự án thủy điện nhỏ ra khỏi quy hoạch, đồng thời dừng hàng loạt dự án thủy điện khác. Nhưng hiện nay, có một số dự án thủy điện nhỏ đang được đầu tư trở lại, tuy con số này không đáng kể.

Việt Nam từng phải giải quyết hậu quả từ “phong trào” xây dựng nhà máy xi măng lò đứng đến “phong trào” làm thủy điện, hy vọng sẽ không phải giải quyết hậu quả của điện than.

Chuyên đề