Đầu tư công: Không để có tiền mà không tiêu được

(BĐT) - Chậm giải ngân vốn đầu tư công không chỉ là lãng phí nguồn lực, mà còn tác động đến vĩ mô, gây cản trở sự phát triển chung của nền kinh tế. Để giải bài toán có tiền không tiêu được, sẽ cần rất nhiều giải pháp từ thể chế, chính sách đến thực thi.
Chính phủ đã và đang chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ vướng mắc để thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Ảnh: Lê Tiên
Chính phủ đã và đang chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ vướng mắc để thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Ảnh: Lê Tiên

Có tiền mà không tiêu được là thiếu trách nhiệm

Cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng. Ngay sau đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khảo sát thực địa, kiểm tra tình hình giải ngân tại TP. Hà Nội và trong tuần này sẽ là tại Hải Phòng.

Trong các cuộc làm việc vừa qua, lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt làm sao phải tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư xây dựng để thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Câu hỏi mà lãnh đạo Chính phủ nhắc đến nhiều lần là tại sao dự án vốn tư nhân làm rất nhanh, như sân bay Vân Đồn làm chỉ năm rưỡi là xong, công trình vốn nhà nước lại luôn chậm trễ?

“Chúng ta có tiền mà không tiêu được là thiếu trách nhiệm, một đồng đầu tư công đưa vào càng sớm, công trình đưa vào hoạt động càng tốt thì tạo điều kiện cho vấn đề tăng trưởng, giải quyết được các cân đối vĩ mô hiệu quả hơn”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại cuộc kiểm tra tình hình giải ngân vốn đầu tư công của TP. Hà Nội.

2 năm trở lại đây, đầu tư công đều rơi vào tình trạng chậm giải ngân. 3 tháng đầu năm nay, giải ngân vốn đầu tư công tuy đã tăng so với cùng kỳ năm trước, thế nhưng mới chỉ đạt 9,2% kế hoạch.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm giải ngân. Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, nhiệm kỳ 2016 - 2020 là giai đoạn đầu tiên cả nước thực hiện đầu tư công trung hạn. Luật Đầu tư công với nhiều quy định chặt chẽ sẽ siết chặt đầu tư công, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, kém hiệu quả, nợ đọng xây dựng cơ bản của những năm trước. Tuy nhiên, vì lần đầu thực hiện, chưa có kinh nghiệm nên phát sinh các vướng mắc dẫn tới giải ngân vốn chậm.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, lĩnh vực đầu tư xây dựng đang bị chi phối bởi 12 luật, hơn 100 nghị định và nhiều thông tư hướng dẫn. Trong đó, nhiều quy định thiếu đồng bộ, thống nhất, cản trở hoạt động đầu tư xây dựng. Bộ Xây dựng đang dự thảo một luật sửa 4 luật liên quan đến đầu tư xây dựng và nếu việc sửa đổi có thể giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết, tăng tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, thì sẽ góp phần vào thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. 

Sửa đổi thể chế, chính sách là chưa đủ

Giải ngân chậm vốn là căn bệnh trầm kha, đâu đó vẫn còn suy nghĩ rằng vốn đầu tư công là “chùm khế ngọt”, là của chung không ai xót. Nguyên nhân chậm giải ngân nhiều trường hợp không phải chỉ vì vướng mắc trong thể chế, chính sách.

Thủ tướng Chính phủ chỉ ra thực tế, cùng một hệ thống chính sách, nhưng 3 tháng đầu năm nay có địa phương giải ngân chậm, có địa phương đã giải ngân được mấy chục %. Như vậy, ngoài thể chế, chính sách, việc chậm giải ngân còn do khâu thực thi, tổ chức thực hiện. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến tình trạng ngâm hồ sơ để chạy chọt, xin cho.

Bộ KH&ĐT cũng cho biết, còn một số đơn vị chất lượng chuẩn bị dự án chưa tốt. Vẫn còn tình trạng chuẩn bị đầu tư và phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, quyết định đầu tư dự án mang tính hình thức để có điều kiện ghi vốn; phê duyệt chủ trương đầu tư không phù hợp với thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Dẫn đến sau khi bố trí kế hoạch lại yêu cầu điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, thậm chí phải thẩm định lại nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Từ đó dẫn đến bố trí vốn chậm, ảnh hưởng đến giải ngân.

Chất lượng thiết kế chưa cao, dẫn đến phải điều chỉnh nhiều lần ở những bước tiếp theo cũng là nguyên nhân lớn dẫn đến chậm tiến độ và tăng tổng mức đầu tư nhiều dự án. Kiểm toán Nhà nước từng chỉ ra Dự án Xây dựng đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn 1) do các tồn tại trong công tác khảo sát bước lập dự án và lựa chọn phương án thiết kế ban đầu chưa tối ưu dẫn đến kéo dài thời gian lập Dự án khả thi và là một trong những nguyên nhân dẫn đến phải điều chỉnh Dự án và tổng mức đầu tư 2 lần.

Vì thế, để thúc giải ngân, sẽ còn phụ thuộc rất nhiều đến trách nhiệm người đứng đầu và nếu làm đúng tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, ai không quyết đoán được hay ôm hồ sơ, xử lý chậm phải xử lý, gạt sang một bên để người khác làm, câu chuyện giải ngân vốn chắc chắn sẽ được cải thiện.

Song song với đó, theo nhiều ý kiến là phải tăng chế tài xử lý vi phạm, để không còn cảnh dự án chậm tiến độ đội chi phí hàng nghìn tỷ đồng cũng không có ai chịu trách nhiệm. Một chuyên gia quốc tế nhận xét, việc xử lý đối với các nhà thầu, chủ đầu tư để dự án chậm tiến độ tại Việt Nam chưa đủ mạnh là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc dự án chậm trở thành chuyện thường nhật. Ở nhiều nước, tiến độ thực hiện được quy định rõ trong hợp đồng với các điều khoản thưởng phạt cụ thể, việc xử phạt vi phạm thực hiện rất nghiêm túc, mạnh tay, tuân thủ đúng hợp đồng. Ví dụ nếu nhà thầu chậm tiến độ, chủ đầu tư sẽ không thanh toán những phần việc đã làm, cho nhà thầu khác vào làm thay ngay lập tức và nhà thầu chậm tiến độ sẽ bị đưa vào danh sách đen.

Đồng thời, theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, ngoài chế tài, ràng buộc với nhà thầu, cần có thêm các chế tài với chủ đầu tư, để nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư trong thực hiện hợp đồng, giải ngân vốn và thanh toán đúng thời hạn cho nhà thầu.

Chuyên đề