Danh mục dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn: Quốc hội hay Chính phủ quyết?

(BĐT) - Việc sửa đổi Luật Đầu tư công cần đảm bảo quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tránh tình trạng “lợi ích nhóm”, nhưng cũng cần tăng cường tính chủ động, linh hoạt, cải cách thủ tục hành chính, sát thực tế trong điều hành kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Dù Quốc hội hay Chính phủ quyết danh mục dự án, thì vấn đề quan trọng vẫn là phải cân nhắc kỹ khi lựa chọn dự án, đánh giá đầy đủ hiệu quả đầu tư. Ảnh: Lê Tiên
Dù Quốc hội hay Chính phủ quyết danh mục dự án, thì vấn đề quan trọng vẫn là phải cân nhắc kỹ khi lựa chọn dự án, đánh giá đầy đủ hiệu quả đầu tư. Ảnh: Lê Tiên

Đó là quan điểm chung của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu tại Tọa đàm Đối thoại chính sách sửa đổi Luật Đầu tư công - bàn luận từ những góc nhìn đa chiều do Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức sáng 8/5.

Các ý kiến hầu hết đánh giá hoạt động đầu tư công đã có những chuyển biến tích cực sau khi Luật Đầu tư công có hiệu lực. Kỷ luật tài chính được tăng cường, kế hoạch đầu tư công trung hạn được luật hóa, “căn bệnh” đầu tư tràn lan từng bước được ngăn chặn, nâng cao hiệu quả đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước. Hiệu quả đầu tư chung của nền kinh tế cũng có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm thực hiện, một số vấn đề tồn tại, phát sinh cần tiếp tục được giải quyết, đặc biệt là vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư công, có tiền nhưng không tiêu được trong khi nhiều công trình trọng điểm phải chờ vốn. Việc sửa Luật Đầu tư công ở thời điểm này, theo nhiều ý kiến, là cần thiết.

Theo bà Phạm Thúy Hạnh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật thuộc Văn phòng Chính phủ, Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) do Chính phủ trình đã sửa đổi theo hướng tăng cường phân cấp, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả đầu tư công. Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận có một số ý kiến đề nghị cân nhắc thẩm quyền của các cơ quan quyết định dự án đầu tư công: Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân… Luật Đầu tư công đã quy định rõ thẩm quyền của các cơ quan này, tuy nhiên cần bảo đảm tính kế thừa, thống nhất giữa các quyết định đầu tư công các cấp và chức năng, thời gian làm việc của các cơ quan này, có thể rút ngắn thời gian xem xét, phê duyệt, phù hợp với thực tế và có tính đến thủ tục rút gọn, đơn giản cho một số dự án đầu tư công đặc thù, khẩn cấp.

Cụ thể hơn, PGS.TS Phạm Văn Hùng thuộc Trường Đại học Kinh tế quốc dân góp ý: Do bản chất của đầu tư công ngoài tính chất kinh tế, còn có yếu tố chính trị và sự linh hoạt trong từng thời kỳ, Quốc hội chỉ quyết định chủ trương các dự án quan trọng quốc gia và các chương trình mục tiêu. Quốc hội xem xét và phê duyệt kế hoạch đầu tư tổng thể với mục tiêu và các tiêu chí xác định. Còn việc lựa chọn các dự án cụ thể khác có thể phân cấp cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.

Đồng quan điểm, ông Phạm Minh Hóa - Cục Quản lý công sản thuộc Bộ Tài chính) cho rằng, theo quy định hiện hành, khi trình Quốc hội phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau phải bao gồm danh mục dự án và mức vốn bố trí cho từng dự án cụ thể. Tuy nhiên, việc xây dựng danh mục dự án cần phải có thời gian. Đồng thời, các dự án để được đưa vào danh mục phải được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, song khi chưa xác định được nguồn vốn của giai đoạn sau thì chưa có cơ sở để thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn để phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Ngoài ra, theo ông Hóa, Quốc hội phê duyệt danh mục, mức vốn nên trong trường hợp điều chỉnh cũng phải trình Quốc hội dẫn đến vướng mắc, khó khăn trong thực hiện do số lượng dự án đầu tư công lớn, việc điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn là công việc thường xuyên. Thực tế triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đã có những vướng mắc này.

Để tháo gỡ vướng mắc nêu trên, ông Phạm Minh Hóa khuyến nghị, cần nghiên cứu sửa đổi quy định theo hướng: Quốc hội quyết định những vấn đề lớn như mục tiêu, định hướng, tổng mức vốn, mức vốn bố trí cho các bộ, ngành, địa phương; tỷ lệ, cơ cấu vốn bố trí cho các ngành kinh tế, danh mục các dự án quan trọng quốc gia, các chương trình đầu tư công; quyết định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư… Trên cơ sở các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ do Quốc hội phê duyệt, Chính phủ sẽ quyết định danh mục, mức vốn các dự án đối với nguồn vốn còn lại chưa phân bổ và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất để Quốc hội thực hiện giám sát.

Dù Quốc hội hay Chính phủ quyết danh mục dự án, thì theo ý kiến các chuyên gia, vấn đề quan trọng vẫn là phải cân nhắc kỹ lưỡng khi lựa chọn dự án, chuẩn bị dự án tốt, xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tăng cường hậu kiểm, giám sát sau đầu tư, thậm chí đánh giá lại hiệu quả đầu tư sau khi công trình, dự án đi vào vận hành… Như cách nói của ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, nguồn lực nhà nước phải phân bổ theo nguyên tắc thị trường, các dự án đầu tư phải được lựa chọn trên cơ sở đánh giá đầy đủ mức độ hiệu quả của từng dự án.

Chuyên đề